Enter your keyword

Put your ad code here

Trường Sơn bên nắng, bên mưa (Bài 2)

Bài 2: Giữa lòng di sản

(QBĐT) - Đang giữa nắng bỏng mắt, từ ngã ba Xuân Trạch đến giáp trạm kiểm lâm Trộ Mợng, bất chợt không khí chùng xuống, dịu lại. Đường Hồ Chí Minh nhánh phía tây đâm thẳng vào lòng di sản, quanh co, dốc đứng, bên vực thẳm, bên lèn cao.

Bám theo mặt đường cán nhựa phẳng lỳ, tôi hòa mình vào dòng xe cộ tấp nập của khách thập phương đến tham quan Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng. Bên trái cung đường là Khu du lịch sinh thái suối Nước Moọc. Dấn sâu thêm chút nữa, động Thiên Đường do Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư, khai thác ở phía bên phải.

Khoảng 30 phút sau, tôi chạm đất ngã tư nơi giao nhau giữa đường 20 Quyết Thắng “roọc ngang” Trường Sơn lên hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch rồi qua nước bạn Lào tại Cửa khẩu Cà Roòng- Noọng Ma. Trên đường 20 Quyết Thắng có rất nhiều địa danh gắn với những chiến công oanh liệt của lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bộ đội Trường Sơn như các tọa độ lửa A-T-P (cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phulanhich).
Dulichgo
Đặc biệt, Khu đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20 gắn với sự hy sinh bi tráng của 8 thanh niên xung phong ở Hang Tám TNXP tại km16+500 đã trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh quen thuộc của du khách trong nước và quốc tế.

Tôi cứ đứng bần thần ngay cái ngã tư rộng thênh thang, kế bên cầu Trạ Ang với những chân trụ vút thẳng từ vực sâu lên nâng đỡ mặt cầu. Ngày xưa... ở ngã tư có ngầm Trạ Ang, cũng là một tọa độ lửa, đạn bom giặc Mỹ trút xuống suốt đêm ngày. Trên cầu Trạ Ang, một đoàn khách quốc tế dừng lại, tỏa ra hai phía lan can, nhìn sâu vào dòng suối thẳm.

Họ đến từ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ
Dulichgo
Chàng trai phiên dịch cho đoàn khá am tường về lịch sử, về những tuyến đường hợp thành hệ thống đường Trường Sơn trên đất Quảng Bình. Bạn bảo với khách: “Cuối tháng 9-1968, đường 20 từ dốc Đồng Tiền đến Trạ Ang trở thành tuyến độc đạo, xe cơ giới Đoàn 559 dồn ứ lại vì không còn xăng tiếp tế. Binh trạm 14-Bộ đội Trường Sơn tìm mọi cách để vận chuyển xăng dầu qua ngầm Trạ Ang cho xe vào chiến trường. Và máu đánh đổi ngang bằng xăng.

Chỉ riêng hai ngày cuối tháng 9, Binh trạm 14 vận chuyển thành công 30 phuy xăng thì đã có 20 người ngã xuống. Cái giá quá đắt, những phuy xăng bị trúng đạn cháy loang, dòng suối Trạ Ang thành dòng máu lửa”.

Cũng từ cầu Trạ Ang, tôi nhìn xuôi theo đường 20 ra phía Phong Nha, ngay trong tầm mắt là công trình Bảo tàng đường Hồ Chí Minh ngoài trời trên đất Quảng Bình đang còn dang dở. Khởi công từ năm 2009, dự định hoàn thành cuối năm 2012. Bảo tàng đường Hồ Chí Minh ngoài trời trên đất Quảng Bình sẽ tái hiện lại đầy đủ toàn cảnh sống, chiến đấu của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... các cung đường ra trận: đường kín, đường hở, đường ống xăng dầu, bãi dấu xe, điểm đóng quân các binh trạm, kho hàng, lán trại, bếp Hoàng Cầm...

Rất tiếc, mốc thời gian hoàn thành dự án trôi qua cách đây 4 năm... Bảo tàng đường Hồ Chí Minh ngoài trời trên đất Quảng Bình chìm trong lau lách, mấy ai người Quảng Bình biết trên quê hương mình hiện diện một dự án xứng tầm như thế; xứng với mồ hôi, xương máu những người vĩnh viễn nằm lại trên đại ngàn Trường Sơn.


< Du khách quốc tế tham quan cầu Trạ Ang, một trọng điểm ác liệt trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh phía tây trong những năm kháng chiến.

Từ cầu Trạ Ang, đường Hồ Chí Minh len lỏi trong vùng di sản tiếp tục đi sâu vào phía nam. Làm một cử chỉ thân mật chào những công dân thân thiện đến từ nước Mỹ, tôi tiếp tục hành trình lãng du của mình. Điểm dừng chân kế tiếp là đỉnh U Bò.  Càng gần đến U Bò, đường dốc lên cao, dốc khúc khuỷu, cảm giác như hẹp lại, không thể tìm đâu ra một đoạn đường thẳng khoảng chừng 10 mét. Theo trí tưởng tượng của tôi, đường Hồ Chí Minh qua U Bò hệt như một chú trăn khổng lồ cuộn mình giữa khu rừng nguyên sinh.
Dulichgo
Trời đang quang đãng, lên chừng giáp đỉnh U Bò, mây đâu kéo đến đen đặc. Những hạt mưa to như sạn cơm quất xuống đường ràn rạt. Mưa rừng Trường Sơn ào đến nhanh  bất ngờ. Chỉ kịp dừng xe lại bên đường, túm vội mấy tàu lá môn rừng che kín người, che dụng cụ tác nghiệp, mưa đã đan kín rừng. Sùng sục nhanh rồi tạnh cũng nhanh. Đó là đặc trưng của mưa rừng. Những ngày sau, khi càng tiến vào sâu phía nam, tôi thường xuyên phải đối mặt với nhiều cơn mưa bất chợt đến, bất chợt đi như vậy, “một bên nắng đốt, một bên mưa bay”.

< Bãi biển Nhật Lệ và Thị xã Đồng Hới nhìn từ đỉnh U Bò.

Đỉnh U Bò nằm ở độ cao hơn 1000 mét so với mực nước biển. Quần thể rừng nguyên sinh trên đỉnh U Bò với những giống cây đặc hữu hầu như còn nguyên trạng. Đứng trên đỉnh U Bò phóng tầm mắt bao quát xung quanh, cảm giác nhẹ nhàng, thư thái hẳn. Nếu vào một ngày nắng đẹp, trời quang, mây tạnh, từ U Bò sẽ thấy hình ảnh Bố Trạch, Đồng Hới và dãy cát Đại Trường Sa chạy dài phía biển rõ mồn một. Rất tiếc, cơn mưa rừng bất chợt làm cho hơi lèn núi đá bốc lên mù mịt. Qua ống kính máy ảnh, thành phố Đồng Hới vẫn nguyên vẹn hình hài, nhưng không được rõ nét cho lắm.

Tôi quyết định tá túc một đêm tại Trạm kiểm lâm U Bò. Thực ra, tính từ cầu Trạ Ang trở vào cầu Rìn Rìn thuộc địa phận xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) trên đường Hồ Chí Minh nhánh phía tây không có dân định cư. Thỉnh thoảng xuất hiện ít đoàn khách du lịch, vài đoàn khách tây “phượt” trên những chiếc xe cào cào phân khối lớn... Thường trực hàng ngày chỉ có lực lượng kiểm lâm. Chọn Trạm kiểm lâm U Bò ở lại, tôi muốn trải nghiệm cảm giác được ngủ ở độ cao 1000 mét so với mực nước biển như thế nào. Ngày mai khi đổ hết dốc U Bò, tôi sẽ đến địa phận huyện Quảng Ninh.

< Trước Trạm kiểm lâm U Bò.

Từ Minh Phương, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm U Bò là người thành phố Đồng Hới. Gặp khách, những kiểm lâm viên dường như vui hơn. Phương bảo: “Ở nơi chim kêu vượn hót suốt ngày, có khách đến chơi nhà là anh em phấn khởi lắm. Nhưng dân phượt đi qua, ít người ghé lại. Khách quốc tế vào trạm, do bất đồng ngôn ngữ nên dù muốn giữ họ lâu hơn cũng bất tiện”. Trạm kiểm lâm U Bò gồm 10 kiểm lâm viên kiểm soát diện tích rừng trong diện bảo vệ nghiêm ngặt trên 4.316 ha. Giữa “thâm sơn cùng cốc”, cứ 3 ngày lại ngược ra chợ Sơn Trạch mua thực phẩm vào. Một tháng mỗi kiểm lâm viên được nghỉ 8 ngày, thay nhau về thăm nhà, thăm vợ con.
Dulichgo
Từ Minh Phương hẹn tôi: “Lúc mô về Đồng Hới, anh em liên lạc gặp nhau, chứ ở đây cái gì cũng đạm bạc. Nước dùng từ khe chảy trên núi xuống, điện thắp sáng bằng ắc- quy, người bạn thân nhất vẫn là những chiếc radio để cập nhật thông tin thế giới bên ngoài... Nhất định về Đồng Hới em sẽ điện thoại!”.

Bữa cơm anh em Trạm kiểm lâm U Bò đãi tôi đơn sơ mà ấm tình người. Mấy chén rượu chắt chiu để dành đem ra mời khách để chống lại cái lạnh núi cao khi đêm xuống, chút thịt lợn ướp mặn kho cong queo lại, cá khô và rau rừng...
Đêm U Bò xuống thật nhanh... phía đồng bằng ánh điện hắt lên thinh không một quầng sáng rộng mênh mông. Đâu đó giữa đại ngàn Trường Sơn, tiếng con nai tác tình gọi bạn vọng lại.

(Còn Tiếp)

Trường Sơn bên nắng, bên mưa - Bài 1: Xuân Trạch-ngày của hoài niệm
Trường Sơn bên nắng, bên mưa - Bài 2: Giữa lòng di sản
Trường Sơn bên nắng, bên mưa - Bài 3: Làng Mô
Trường Sơn bên nắng, bên mưa - Bài 4: Làng Ho
Trường Sơn bên nắng, bên mưa - Bài cuối: Lời của gió nơi ngã ba Dân Chủ

Theo Ngô Thanh Long (Báo Quảng Bình)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Popular