(DNTH) - Núi Cai Kinh thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Núi cao 600m. Sau này còn có tên núi là Mỏ Nhai. Địa danh Ải Chi Lăng nổi tiếng trong lịch sử VN nằm giữa một thung lũng hẹp ép giữa hai dãy núi: phía Đông là dãy núi đất Bảo Đài - Thái Họa và phía Tây là núi đá Cai Kinh dựng đứng.
Tại đây cũng có những ngọn núi thấp rải rác dọc thung lũng và trấn ven đường cái quan như núi Hàm Quỷ, núi Phượng Hoàng, núi Kỳ Lân, núi Mã Yên. Đóng khóa hai đầu của thung lũng, nơi hai vòng cung núi đất phía Đông và núi đá phía Tây khép lại là lũy Ải Quỷ phía Bắc và núi Ngõ Thề phía Nam khoanh kín trong lòng một ải quan dài 5 km, rộng khoảng 3 km.
Ngày nay, nếu đi từ Hà Nội lên Lạng Sơn qua thị trấn Mẹt của huyện Hữu Lũng một chút, ta thấy một dãy núi cao sừng sững ở phía bên trái kéo dài suốt dọc đường quốc lộ 1A tới tận Chi Lăng, ăn sâu vào Bằng Mạc, giáp tận Bình Gia – Bắc Sơn trông rất hùng vĩ và hiểm trở, người dân vẫn gọi đó là dãy núi Cai Kinh. Nhưng tại sao dãy núi này lại có tên là Cai Kinh?
Dulichgo
Chuyện kể rằng sau khi thực dân Pháp chiếm Bắc Kỳ và Hà Nội, chúng liền chuẩn bị đánh chiếm Lạng Sơn. Nghe tin đó, một thủ lĩnh người dân tộc Tày, tên là Hoàng Đình Kinh, sinh ra và lớn lên ở xóm Thương, tổng Thuộc Sơn huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Ông đã từng làm Cai tổng nên còn có tên gọi là Cai Kinh. Ông là thủ lĩnh chỉ huy nghĩa quân đánh thực dân Pháp khi chúng mới đặt chân lên Lạng Sơn. Khi quân Pháp tiến đến Hữu Lũng, nghĩa quân của Hoàng Đình Kinh đã chặn đánh quyết liệt làm cho chúng phải rút về Bắc Ninh. Nghĩa quân của ông còn phối hợp với hoạt động của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám đánh địch ở vùng Lạng Giang, phủ Lạng Thương khiến cho quân Pháp gặp nhiều khó khăn.
Khi quân Pháp tiến đánh Lạng Sơn lần thứ hai, nghĩa quân Cai Kinh đã phục kích, đánh một trận ở cầu Quan Âm – sông Hoá và thắng lớn. Rồi ông còn tiến đánh địch ở đồn Bắc Lệ buộc địch phải rút chạy về phủ Lạng Thương. Năm 1885, quân Pháp theo đường Chũ, Đình Lập đánh chiếm Lạng Sơn. Chúng mở công trường đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn. Nghĩa quân Cai Kinh hoạt động ở Lạng Sơn và nghĩa quân của Đề Thám hoạt động ở Bắc Giang đã làm cho địch nhiều phen nguy khốn và làm chậm kế hoạch xây dựng đường sắt của chúng.
Cuối năm 1885, quân Pháp tăng cường đánh chiếm nhiều nơi của tỉnh Lạng Sơn, nghĩa quân Cai Kinh chuyển vào vùng Tam Yên – Hữu Lũng làm căn cứ và xuất quỷ nhập thần đánh địch khắp mọi nơi. Suốt từ 1885 – 1886 các tướng của nghĩa quân Cai Kinh là Cai Bính, Cai Hai (em Cai Kinh), Hoàng Quế Thọ (ở Bình Gia), Hoàng Thái Nam và Hoàng Thái Nhân (ở Bắc Sơn)... đã đánh địch liên tục từ phủ Lạng Thương, Mai Sao, Than Muội đến Đồng Đăng, Tam Keng (Bắc Sơn)... làm cho địch bị tổn thất nặng nề.
Năm 1887, quân Pháp mở cuộc tấn công qui mô lớn vào trung tâm căn cứ nghĩa quân. Dựa vào thế núi hiểm trở, nghĩa quân đánh nhiều trận tiêu diệt nhiều lực lượng địch.
Không thắng nghĩa quân bằng quân sự, thực dân Pháp dùng âm mưu mua chuộc, cài người vào nghĩa quân làm nội ứng. Tổng Cón vốn có tư thù với Hoàng Đình Kinh, lại tham tiền của, đã cấu kết với Pháp thực hiện âm mưu này.
Dulichgo
Cuối năm 1887, Cai Hai (em ruột Cai Kinh) bị tên lính phản bội bắn chết. Hoàng Đình Kinh vô cùng đau xót về sự hy sinh của người em ruột đồng thời là một vị tướng có tài của nghĩa quân đã làm lễ tế hồn Cai Hai và truy lùng xử tội bọn làm phản.
Tổng Cón hèn hạ cho đào mồ cha của Cai Kinh, lấy hài cốt ném xuống sông Hoá rồi phao tin: “Cai Kinh đã mất mả bố, không phát quan được nữa”. Đồng thời hắn tung tiền mua chuộc, thúc ép bọn tay chân làm nội gián.
Linh Thành là một viên chỉ huy của nghĩa quân, luôn được gần gũi Cai Kinh, đang có âm mưu muốn chiếm vợ của ông, đã tụ tập một nhóm làm phản đóng giả làm quân Pháp đánh vào tư dinh của Cai Kinh. Bị bất ngờ, lực lượng bảo vệ ông bị thiệt hại nặng. Đề Dã là một thủ hạ trung thành đã dẫn Cai Kinh đi lên hang Dơi ẩn náu và hàng ngày tiếp tế lương thực.
Chiếm được đại bản doanh, Linh Thành bắt giữ vợ con Hoàng Đình Kinh và tiếp tục truy lùng ông. Chúng sục đến hang Dơi thì Hoàng Đình Kinh đã đi xa, chúng chỉ phát hiện nhiều tàu lá chuối gói cơm tiếp tế. Chúng đem những tàu lá chuối đó về chắp thử vào cây chuối các nhà trong làng và phát hiện ra những tàu lá chuối đó là của vườn Đề Dã. Chúng bắt Đề Dã đi tìm Hoàng Đình Kinh. Đề Dã đã dẫn chúng đi hết đèo này núi khác, không tìm thấy Hoàng Đình Kinh. Biết bị lừa, chúng bắn chết Đề Dã, chặt đầu đem về nộp quan Tây lĩnh thưởng.
Bọn quan Tây ở Lạng Sơn phát hiện ra Cai Kinh chưa bị giết liền đòi Linh Thành lên xét hỏi và bắn chết hắn, đồng thời tiếp tục truy lùng Cai Kinh. Lúc này ông đang ẩn náu ở các làng trong vùng núi từ Chi Lăng đến Bắc Sơn và tìm cách xây dựng lại lực lượng.
Dulichgo
Cuối cùng thực dân Pháp cũng bắt được ông ở biên giới Việt – Trung và đem về xử tử. Hoàng Đình Kinh đã anh dũng hy sinh ngày 06-7-1888. Nhân dân các dân tộc trong vùng vô cùng kính phục và nhớ tiếc ông, đã đặt tên dãy núi trùng điệp mà ông lấy làm căn cứ là dãy Cai Kinh và xã Thuộc Sơn, quê hương ông cũng được đặt tên là xã Cai Kinh.
Theo Bùi Thế Tung (Doanh Nghiệp và Thương Hiệu), ảnh internet
Du lịch, GO!
Sự tích dãy núi Cai Kinh
Tags:
Địa danh,
Núi,
Xã xì trét,
Xem cho biết
About Unknown
Soratemplates is a blogger resources site is a provider of high quality blogger template with premium looking layout and robust design
Nhãn:
Địa danh,
Núi,
Xã xì trét,
Xem cho biết
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét