(Giải trí) - Đến Bangkok để khám phá lại thành phố mà mình từng qua lại nhiều lần. Bangkok bây giờ đã có thêm tàu điện ngầm metro, có đường tàu hỏa trên cao skytrain. Những công trình lịch sử và tôn giáo vẫn đấy, nhưng không phải ai cũng biết mà ghé thăm.
Chuyện xưa, chuyện nay
Tôi đã một mình lang thang khám phá nhiều nơi trong thành phố. Đến chợ nổi, ngồi trên chiếc thuyền dài thượt như một cây gỗ phóng vèo vèo dọc theo con kênh hẹp. Hẹp thế mà thuyền dài cứ vun vút tránh nhau rất khéo. Thuyền chở hoa quả nhiệt đới, cứ vàng rực, cứ đỏ chót, cứ xanh ngắt. Chợ nổi tấp nập nhưng rõ ràng có bàn tay tổ chức khéo, đều đặn ngăn nắp, khác với kiểu chợ nổi còn nhiều nét tự phát ngổn ngang ở miền tây Nam Bộ bên ta. Giao thông Bangkok bây giờ đã khá hơn. Chắc là nhờ có thêm tàu điện ngầm và tàu trên cao. Vẫn nhớ, hơn hai chục năm trước, tắc đường khủng khiếp hơn nhiều.
Cái ăn cái ở thì thế nào? Chọn ngay nhà nghỉ A-One Inn ở đúng trung tâm, Siam Square là nơi tấc đất tấc vàng, cái phòng nhỏ tí chỉ khoảng bảy mét vuông, không khác gì khách sạn ở xứ đắt đỏ Bắc Âu. Bù lại, chỉ mấy bước là ra đến những trung tâm mua sắm đồ sộ. Hoa quả đồ ăn thức uống sẵn bên đường. Chỗ đổi tiền, chỗ mua sim điện thoại 7 Eleven đều rất tiện. Trên tầng sáu trung tâm mua sắm Tokyu là cả một khu ăn uống mênh mông, bụng đang đói càng hoang mang khó chọn vì món ăn bày ra ê hề. Đồ ăn Nhật, Hàn, nhiều nhất là đồ ăn Thái. Món ăn các nước Đông Nam Á đều thích, nhưng món Thái vẫn hợp hơn cả.
Dulichgo
Chốn cũ thăm lại
Người Việt đi thăm Bangkok, hình như chỉ biết mấy điểm phổ biến nhất: Đại Hoàng Cung, chùa vàng, chùa ngọc, chùa Phật nằm. Đấy đúng là những nơi đáng thăm. Đại Hoàng Cung Grand Palace đúng là kiến trúc kỳ vĩ nguy nga, phối màu đặc trưng xứ Thái: vàng rực, đỏ huyết, xanh lục thẫm. Một vẻ đẹp quá sặc sỡ. Trong khuôn viên Hoàng Cung có chùa Wat Phra Kaew, ở chính điện có tượng Phật bằng ngọc lục bảo (Emerald Buddha) đặt trên đỉnh một ban thờ. Nghe nói thực ra đó là ngọc thạch anh (jasper). Tôi từng tưởng rằng tượng Phật ngọc to lắm, hóa ra kích thước cũng khiêm tốn. Người ta bảo thạch anh nguyên khối mà to bằng ấy là quý hiếm lắm rồi. Người ra vào nườm nượp, nhưng tôi vẫn chọn được một chỗ ngồi trước một đoạn tranh tường vẽ sự tích sử thi Ấn Độ Ramayana đã được Thái Lan hóa thành Ramakian. Ngồi ngắm tranh và chiêm ngưỡng cái vô hạn của cõi tinh thần.
Sang chùa Wat Pho ở gần đấy, pho tượng Phật nằm nhập niết bàn dài 46 mét cao 15 mét. Cũng vàng rực. Cũng người chen người để chụp lấy từng phần từng đoạn của pho tượng dài. Ai cũng tranh thủ từng phút trong ngôi chùa cổ nhất và lớn nhất ở Bangkok. Nhưng hỏi chùa nào cao nhất trong thành phố Bangkok, có khi ít người Việt trả lời được. Không chỉ là Wat Arun như một ngọn tháp chọc trời.
Ngôi chùa cao nhất không xa quần thể Hoàng Cung, tên là Wat Saket, ở trên một quả đồi cao 77 mét gọi là Golden Mount, Kim Sơn, núi vàng. Tôi đến lúc đầu buổi chiều, tập vé vừa bán hết, thế là người ta cho lên miễn phí. Trèo trăm bậc thang theo hình xoáy trôn ốc lên, thăm bảo tháp màu vàng có di cốt Phật. Từ ngôi chùa thanh tịnh trên đỉnh núi nhìn thấy cả Bangkok trong tầm mắt. Đúng là chỉ có chùa Phật mới có thể xây cao hơn Hoàng Cung ở ngay bên dưới kia.
Dulichgo
Tôi còn muốn trở lại Vườn Hồng Rose Garden, xem có gì mới so với hơn hai chục năm trước. Vẫn nhớ ngày trước vào Vườn Hồng xem chương trình diễn lại một đám cưới truyền thống, nhà trai mang lễ vật sang nhà gái, rồi đón dâu, rồi nhà sư cưỡi voi đến làm lễ ban phước... Nhưng bây giờ không đủ thời gian để trở lại. Thế mà khi nghe nói về chương trình, có người còn gàn, ở Bangkok làm gì những bốn ngày.
Một vòng khám phá mới
Thực ra bốn ngày ở Bangkok là không hơi ngắn. Tôi đã dành thời gian thăm những nơi còn ít du khách người Việt biết đến. Một ngày mua tua đi thăm cố đô Ayutthaya, 1.200 baht, cách thủ đô 80 km. Chỉ còn là di tích: mấy cái bảo tháp hình chuông, những nền chùa tan hoang, những dãy tượng Phật bị đập phá. Cố đô đã bị bỏ hoang sau khi bị quân Miến Điện nhiều lần tràn sang tàn phá. Nhưng di tích vẫn còn đủ gây ấn tượng mạnh và năm 1991 trở thành di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.
Trong lịch sử, Thái Lan đã có bốn kinh đô, Bangkok là kinh đô thứ tư, còn Ayutthaya là kinh đô thứ hai, trải qua 35 triều vua cai trị, trong hơn bốn thế kỷ, từ 1350 đến 1767. Cái tên kinh đô được đặt theo tên kinh thành Ayodhya ở xứ Ấn Độ của chàng Rama và nàng Sita trong sử thi Ramayana. Trong khu di tích có một hình ảnh lạ đã trở thành biểu tượng: cái đầu một pho tượng Phật rơi xuống, được một cây bồ đề ôm trọn, qua hàng trăm năm, rễ cây đã khuôn tròn quanh mặt Phật, để bây giờ như là Phật đang từ trong gốc cây mà nhìn ra chúng sinh.
Dulichgo
Tôi trèo lên ngọn tháp cao đến năm chục mét Wat Phra Sri Sanphet, cầu thang dốc, nhìn xuống chóng cả mặt. Cô hướng dẫn viên động viên mọi người lên. Cô lúc nào cũng tươi cười hồn nhiên. Mình lau mồ hôi ướt sũng cả cái khăn mù soa thì cô mồ hôi cũng túa ra chảy hết lớp phấn trên mặt.
Từ đây đi tiếp về Bang Pa In, cũng là một Hoàng Cung, cách thủ đô 60 km. Vua và hoàng hậu không thường xuyên ở đây, nhưng thỉnh thoảng cũng về đây tiếp khách hoặc tổ chức yến tiệc. Bang Pa In bắt đầu có từ thế kỷ XVII nhưng kiến trúc như hiện nay thì được xây dựng vào giữa thế kỷ XIX. Không lộng lẫy choáng lộn như Hoàng Cung ở thủ đô, Bang Pa In kết hợp hài hòa kiến trúc phương Tây với kiến trúc dân tộc. Những ngôi chùa đền đài dinh thự dọc theo hồ nước long lanh. Chọn một chỗ ngồi trong khu vườn xanh mướt nhìn khắp dinh thự soi bóng nước, bình yên quá, đến mức chẳng muốn về.
Hôm sau thuê một cái xe tắc xi đi theo ngày, từ tám giờ sáng đến bốn giờ chiều, 1.500 baht, đến thành phố cổ Ancient City, cách thủ đô 70 km. Gọi là thành phố cổ, đấy là một quần thể rộng 320 ha, tập hợp 116 đền chùa cung điện nổi tiếng nhất trên khắp đất nước Thái Lan. Nghe nói đây là bảo tàng ngoài trời lớn nhất thế giới. Toàn bộ quần thể được thiết kế theo mô hình bản đồ Thái Lan, công trình nào được đặt đúng vị trí tỉnh thành ấy. Ví dụ Đại Hoàng Cung được thu nhỏ và đặt đúng vị trí của nó ở Bangkok, phía nam đất nước. Hơn một trăm công trình, được chia làm ba loại:
- Nguyên bản được di chuyển từ địa điểm gốc, mang về đặt vào đây.
- Phiên bản, được tạo dựng từ bản gốc, dựa theo bằng chứng lịch sử.
- Những công trình cổ, không còn bằng chứng lịch sử, được thiết kế lại, tùy theo sự sáng tạo của kiến trúc sư và họa sĩ.
Dulichgo
Mười giờ sáng những chuyến tàu mới bắt đầu đưa du khách đi tua trong quần thể. Tôi lại đến từ chín giờ, lúc công viên bắt đầu mở cửa. Vé vào cửa là 700 baht, tương đương 20 USD. Xe đạp đầy một bãi, ra chọn lấy một chiếc mà đi. Phòng vé cho mượn một thiết bị hướng dẫn bằng tiếng Anh, trông như cái điện thoại cục gạch, cắm tai nghe vào, đến chùa nào thì bấm mã số chùa ấy, sẽ có tiếng Anh giới thiệu lịch sử công trình. Vừa dừng xe bên gốc si cổ thụ đặt nhóm tượng Pallava gồm ba vị thần Hindu, thấy ngay một con rắn lục đang cong mình ngoe nguẩy bên dưới tấm bảng giới thiệu. Thế là ngay từ đầu đã chột dạ, tự bảo phải cẩn thận mỗi khi bước chân lên đám cây cỏ.
Tôi phóng xe từ phía nam lên phía bắc, theo một chu vi khoảng dăm bảy cây số, hối hả dạo một vòng quanh đất nước Thái Lan trong hai tiếng đồng hồ. Đi như thế là quá vội, đúng ra phải dăm tiếng cho đến một ngày thì xem mới thỏa. Nhiều chỗ rậm rạp như rừng, thấp thoáng hiện ra trong rừng cây những ngôi chùa Phật. Tôi ghé vào ngôi chùa có mô hình dấu chân Phật, đạp xe qua tượng Phật nằm dựng theo pho tượng ở cố đô Ayutthaya. Lại có cả đền đài dựa trên sự tích thần thoại Ấn Độ như núi Sumeru, tượng sự tích khuấy biển sữa, quần tượng ba vị thần của đạo Hindu là Brahma, Shiva, Vishnu.
Trên những hồ nước tượng trưng cho sông ngòi của đất nước, những chiếc thuyền rồng dài mấy chục mét thả trôi thong dong. Người ta phục dựng cả chợ nổi, cả chợ quê, cả chợ phố núi, cũng đầy đủ hàng quán trong ấy, ăn gì mua gì cũng có thể ghé vào chốc lát. Ngồi trong công viên mà như sống giữa làng quê, giữa đền đài chùa chiền xứ Thái.
Theo Hồ Anh Thái (Tiền Phong)
Du lịch, GO!
Một vòng quanh xứ Thái
Tags:
Xã xì trét
About Unknown
Soratemplates is a blogger resources site is a provider of high quality blogger template with premium looking layout and robust design
Nhãn:
Xã xì trét
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét