Enter your keyword

Put your ad code here

Một ngày ở Xóm Chợ - Bến Dừa (Trà Cú)

(ĐGD) - Hành lý đơn giản gồm mỗi người một túi đeo vai, mình và bà xã làm một chuyến nhỏ về quê vợ tại Bến Dừa.

< Hành lý gồm 2 túi đeo, mớ đồ phía ngoài là để mặc đi.

Đây cũng chả phải là một chuyến đi chơi mà đơn thuần là công việc, vả lại cũng muốn xem chừng ba vợ ở dưới căn nhà mới mua từ trước lúc me mất đã ổn định cuộc sống chưa.

Bến Dừa là một vùng quê nhỏ thuộc xã Lưu Nghiệp Anh - huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

< Vé xe Thanh Thủy. Chuyến về thì đi xe Thanh Nguyên.

Thuở năm một ngàn chín trăm chín mươi mấy thì nơi này đất rộng người thưa. Xóm Chợ lúc ấy cũng đã có rồi nhưng chợ nhỏ hơn, đường to đường nhỏ chỉ là đường đất và trước chợ cũng có khoảng đất rộng, chính xác là đất chứ không tráng xi măng như ngày nay...

< Trên một nhánh của hương lộ 28, nhà cô Trang.

Nhà vây quanh Xóm Chợ ngày ấy đa phần chỉ lợp lá, vách gỗ. Nhà nào ngon lành lắm thì lợp tôn, tường gạch.

< Trước nhà anh Tin, vai em bà con bên vợ. Chiếc xe đã chuẩn bị để bọn này mượn.
Dulichgo
Dĩ nhiên ngày nay thay đổi hết rồi: Chợ được xây rộng và khang trang, nhà cửa cũng vững chải ngon lành hơn nhưng miền quê vẫn là quê, tối tầm quá 7h là đường xá vắng teo: nhà nào cũng đã đóng cửa hết ngoại trừ một của hàng tạp hóa đầu chợ và cửa hàng khác đầu đường.

Có điều quê có cái nét đẹp của quê, thanh bình bên dòng sông nhỏ - một nhánh của dòng sông Hậu đổ ra cửa biển Định An.

< Trước hiên nhà ba vợ. Ông vẫn còn đạp xe được đó nghen. Còn chiếc xe gắn máy bọn này mượn của anh Tin để chạy lòng vòng. Chạy thì đổ xăng - ghé cây xăng định đổ 50k nhưng mở nắp ra thì gần đầy. Dzị là đổ đầy luôn.

< Ba vợ, năm nay ông 89 tuổi rồi.

Có nhiều nhà xe từ Sàigòn xuống đây và đa phần là xe giường nằm - đi cũng khá thoải mái. Tuy nhiên đa phần chỉ đến bến cuối là Trà Vinh, Cầu Ngang hay Trà Cú.

Duy chỉ có xe Thanh Thủy và Thanh Nguyên này đến tận nơi, thậm chí muốn đi Duyên Hải cũng ok (nơi có biển Ba Động - vé 170k). Giá vé chỉ 100k, rẻ hơn nêu xuống Trà Vinh (110k) do cạnh tranh (he he)!
Còn nếu giá vé vài chục ngàn thì bạn có thể đi xe ghế ngồi, 15 đến 25 chỗ.

< Hương lộ 28 được đổ thêm đá dăm hai bên chuẩn bị nâng cấp.

< Ghé nhà chú Sáu.

Bọn mình chọn chuyến 10h đêm, đơn giản đi tối đến khoảng hơn 2h sáng hôm sau là đến. Vậy là có thể dành trọn ngày hôm sau đi lòng vòng thăm bà con nhà vợ.
Dulichgo
Còn nếu tự chạy xe máy thì chắc chắn sẽ khởi hành tầm 4h sáng sớm, chạy giỏi thì làng tàng tới trưa cũng đến thôi - dĩ nhiên chỉ ghé sơ Trà Vinh chứ nếu khám phá thành phố này thì chắc ngày hôm sau mới đi Bến Dừa (do nghỉ lại đêm).

< Phần nhà sau có chái bếp rộng. Một kiểu kiến trúc thuần túy Nam bộ. Ảnh là chú Sau (đang ăn sáng), thím, vợ anh Dùng - lui cui phía sau là bà xã mình.

< Chú Sáu đây, chú có nét mặt phúc hậu và rất vui vẻ. Có điều nói chuyện với chú chỉ bằng viết và bút vì chú lãng tai nặng.

< Nghe bọn mình đến, anh Năm Đức ghé chơi.

8h tối, gọi nhà xe đề nghị xe trung chuyển. Quá 9h, một chiếc 7 chỗ màu trắng khá keng ghé trước nhà: dzị là lên xe. Xe trung chuyển này còn ghé thêm vài chỗ bên quận 4 đón khách và chở ra Trần Phú. Ở nhà xe, ta mua vé rồi chờ. Đến giờ sẽ có một chuyến trung chuyển ngắn nữa để tới chỗ đậu xe - lên tìm đúng giường rồi nằm phưỡng chờ giờ khởi hành.

Chuyến này chạy trễ nửa tiếng nhưng với bọn mình: càng trễ thì càng tốt - xe chạy trong đêm ghé lung tung thì càng mừng vì xuống dưới sớm quá cũng chả biết làm gì.

< Ngồi chơi một hồi, chú Sáu khều vai dẫn ra vườn sau. Vườn rộng lắm, chủ yếu trồng dừa.

< Con đê trong vườn nhà chú Sáu, phía phải là con sông. Ngồ ngộ là cây dừa mọc giữa đường.

Mình nằm giường giữa, gần đầu xe - bà xã thì bìa phải, bên cạnh. Chạy rù rù trong đêm, có lẽ khi vào cao tốc Trung Lương thì mình đã vào giấc ngủ lơ mơ rồi. Mơ màng thôi chứ không ngủ say như chuyến về.

Xe ghé vài chỗ trong đêm để lên hàng và ghé trạm nghỉ. Bọn mình vẫn thẳng cẳng trên xe ngoài ngoái cổ nhìn xuống đôi chút vì chuyến xe không dài, lại ăn no trước khi đi rồi - vậy là vẫn phưỡn!

< Vườn trồng nhiều nhất là dừa, dừa nước ngọt lắm đó nghen.

< Cổng nhà nhìn ra hương lộ 28.

2h sáng, cỗ xe giường nằm Thanh Thủy với chỉ 15 khách trên 45 giường (2 khách bắt được dọc đường, hôm đó nhà xe ế) bắt đầu ghé nhiều chỗ để hành khách xuống.
Dulichgo
Xe miền Tây có cái rất hay này: Đón tận nơi, đưa tận chỗ - chốn nào đường nhỏ thì có xe trung chuyển, còn nhỏ nữa thì có xe ôm (của nhà xe) đưa khách đến tận nơi. Kẹt lắm chốn xa lắc xa lơ thì phụ thu thêm 10, 20k gọi là tiền phụ xăng dầu! Phải chi mà các xe miền Đông, xe Bắc Nam được như vậy thì mới gọi là phục vụ chu đáo khách hàng của chính mình chứ!

< Chơi một hồi thì tạm biệt chú, trở về Xóm Chợ ăn bún nước lèo. Chỉ 5k/tô - bánh cam nhân thịt thì 2k. Có điều bà con nên không bao giờ chịu tính tiền dù mình ép-. Dzị là ăn free.

< Vài chục thước sau nhà tía là con sông. Sông dưới này sạch sẽ chứ không ô nhiễm như thành phố.

Hồi còn đi phượt lung tung, có cái kinh nghiệm mà bọn mình từng trải qua này kể cho các bạn nghe chơi nghen. Nhớ hồi chuyến Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Khâm Đức - Tam Kỳ.

Trước khi rời Phước Sơn, mình đã đặt vé (xe Phương Trang) qua điện thoại rồi. Tuy nhiên, nhà xe có tiếng này không hề hồi đáp để xác nhận khách như mọi khi. Ngay khi tới trạm tại QL1 ở Tam Kỳ, nhà xe vẫn ậm ừ trong khi trạm vé vẫn còn đóng cửa. Vậy là bọn mình bắt xe trên đường, nhanh gọn nhẹ!

< Ngôi miếu nhỏ ngay cạnh đó. Người ta gọi là miếu Ông Từ.

< Miếu nhìn thẳng ra sông.

Lúc đó là xe Bích Nga. Nhà xe này lúc ấy dường như chỉ có 2 chiếc: chiếc chạy từ Sàigòn ra Trung thì chiếc kia chạy ngược vào. Do phải xoay vòng nên nhà xe chạy khá nhanh, được cái là mỗi chiếc có đến 3 tài + 1 lơ nên không sợ tài xế buồn ngủ khi chạy đêm.
Dulichgo
Nhà xe mới nên xế giường nằm cũng mới keng, máy lạnh chạy phù phù và người phục vụ cũng hết mình - giá lại rẻ hơn các nhà xe khác...

< Khu mộ dòng tộc.

Ghé trạm của nhà xe thì cơm ngon (xe bao) - sáng ngủ dậy thì khách được tặng khăn + bàn chải + kem đánh răng. Sau đó là tô hủ tiếu ngon lành phục vụ điểm tâm. He he, tính ra xe có thương hiệu lớn thì chưa hẳn bằng các nhà xe nhỏ: cạnh tranh mà.

Riêng các ve đi miền Tây này cũng vậy: cơn sốt cạnh tranh và truyền thống xưa nay khiến cung cách phụ vụ đưa đón tận nơi thật tuyệt cú mèo, bạn hỉ!

< Chạy loanh quanh đến cây cầu nhỏ bắt ngang sông.

Đến nơi lúc hơn 2h, gọi là 'trễ' nhưng mừng vì tiêu hao được vài mươi phút. Khổ cái kêu cửa nhà bố già: xung quanh vẫn còn say giấc nồng mà ba vợ lại lãng tai nặng - kêu để nghe được nhưng không đánh động hàng xóm coi bộ khó.
Dulichgo
Trong thật tế, Xóm Chợ ngoài kia lò bánh mỳ đã hoạt động rồi nhưng cậu bé trông lò đã đóng cửa đi giao bánh... chứ không thì cũng vào nằm võng đong đưa trú tạm đến sáng: dưới quê mà, gì cũng đơn giản lắm - cũng chả ngờ vực ai.

< Giữa cầu là một khoảng dừng, mát mẻ.

Cuối cùng ở Xóm Chợ, bọn này cũng vô được nhà, đánh một giấc đến gần 6h - lúc chợ đã nhộn nhịp rồi. Ra rủ anh em họ đi uống cà phê, tán phét chuyện trời biển. Nhà quê cái gì cũng rẻ, tô cháo lòng 10k có tim có cật. Cà phê đá 5k. Bà xã tha hồ chọn lựa nào là bông bí, bông so đũa - ký lô chỉ 10k để về nấu canh chua. Nói chung, thu nhập người ta không như thành phố nhưng vì vậy mà cây nhà lá vườn rẻ - có cao hơn thì chắc chỉ những món như kim khí điện máy vì chở từ SG về.
Vậy nhưng ở chơi đôi bữa thì ok chứ ở luôn thì dân thành phố chịu không nổi vì buồn lắm và phải thay đổi mọi sinh hoạt hàng ngày.

< Cảnh vật trên dòng sông nhỏ êm đềm.

Đồ ăn giá bèo nhưng ăn uống tùm lum: Sau khi ăn sáng lúc 7h thì quá 9h lại măm thử bún nước lèo. Thứ này nghe nói làm từ mắm bồ hóc... nhưng không hề nặng mùi. Bà xã thích lắm, lần nào xuống cũng làm một tô còn mình không hợp rơ.
Dulichgo
Do ăn từa lưa nên mãi 2h trưa mới đói, ra chợ làm một tô bún nem nướng nhà anh Tâm. Thơm, ngon... cái này là nhận xét của mình. Trả tiền thì vợ chồng anh nhất định không nhận nên lại free!

< Đường ven sông vào chùa Thiên Phước.

Quá 5h chiều, ghé tiệm tạp hóa đầu đường mua mấy ổ bánh mì ngọt nhân chocolat - ra sân vườn khá rộng trước ủy ban nhân dân xã Lưu Nghiệp Anh ngồi ăn bánh  và ngắm nhìn cây cỏ, bụng no nóc đến tận hôm sau.

< Thiên Phước Tự đây, có tiếng tụng kinh nhưng cửa đóng then cài nên bọn mình không vô.

Chiều tối 7h, sau khi xong mọi việc dự trù trong chuyến đi thì nửa kia gọi điện đặt xe cho chuyến về 8h. Ngồi trước nhà anh Tâm chờ xe, mãi 8h rưỡi tối thì xe mới vào.
Dulichgo
Yên vị trên giường nằm, cứ nghĩ chỉ có 2 đứa mình thôi thì hóa ra không phải: 5 người dân Xóm Chợ giờ đây mới lục tục lên xe, nhìn lại thì xe 45 giường chỉ còn trống đôi ba chỗ - chả bù chuyến đi, nhà xe ế thê thảm.

< Cây cau đậu trái.

Thiếu ngủ hôm qua nên bữa ni ngủ bù: mặc cho xe chạy qua Trà Cú, Trà Vinh: mình vẫn mơ màng mặc dù có mở mắt ra ngắm nghía một tý. Trạm nghỉ này hay cây xăng kia trải qua trong đêm dài, mãi đến khi vào TPHCM rồi thì mình tỉnh táo.

2h sáng, xe Thanh Nguyên bắt đầu dừng nhiều chỗ để hành khách xuống, người bệnh viện này, người bến xe kia... cho tới nơi cuối cùng là trạm hàng trước sân banh Thống Nhất thì bọn này xuống, vào trạm để chờ xe trung chuyển đưa về tận nhà.

< Bà xã đây, nhìn xem có buồng chuối nào ngon lành không - rinh dìa.
Dulichgo
Quá 3h sáng về nhà, lăn xuống giường ngủ một giấc đến tận 6h. Dậy soạn đồ mới biết là cái điện thoại của bà xã rớt đâu mất tiêu, bỏ xừ!
Gọi vào máy, có đổ chuông nhưng không ai bắt máy. Mình ngẫm: có lẽ rớt khỏi túi lúc trên xe giường nằm. Gọi lần 2 rồi lần 3 thì nghe một giọng ngáy ngủ trả lời (chắc anh lơ xe, he he). Dzị là hẹn xế trưa ghé trạm hàng lấy lại - Cuối tập thì chiếc điện thoại cũng 'quy về cố hương' lúc 10h trưa. Điện thoại hơi bị còi, quan trọng là thông tin trong cai sim đó thôi.

Một ngày ở miền quê Xóm Chợ Lưu Nghiệp Anh, có mệt vì thiếu ngủ nhưng cũng cho ta nhiều hiểu biết về gia đình bên vợ, về một chốn yên bình mà bao nhiêu năm qua vẫn không hề thay đổi bao nhiêu...

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Popular