Enter your keyword

Put your ad code here

Động Dơi: địa chỉ du lịch nên khám phá

By On tháng 9 17, 2017
(TH) - Động Dơi huộc xóm Lũng Rúm, xã Đồng Loan, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Động có chiều dài khoảng 930 m với độ cao trung bình khoảng từ 60m - 80m. Động ẩn mình trong khu vực có những tán lá rừng và vách đá chênh vênh...

Động Dơi theo tiếng địa phương gọi là "Ngườm Ca Khào" có nghĩa là hang con Dơi, thuộc xóm Lũng Rúm, xã Đồng Loan, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Động có chiều dài khoảng 930m với độ cao trung bình khoảng từ 60m - 80m. Động ẩn mình trong khu vực có những tán lá rừng và vách đá chênh vênh. Đứng ngay trước cửa động cảm nhận đầu tiên là những luồng gió mát trong lành, du khách thỏa sức ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên nơi đây thật đẹp. Phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy thấp thoáng những ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày, Nùng dưới ánh nắng len lỏi qua từng kẽ lá, từng đàn bướm rập rờn bay quanh những bông hoa rừng vừa mới chớm nở...

< Cửa động Dơi.

Bắt đầu chuyến tham quan là hình ảnh cửa động với chiều cao khoảng 4m, chiều rộng khoảng 7m. Động Dơi được chia thành 3 khoang lớn, mỗi khoang có những nét đẹp riêng biệt với hệ thống nhũ đá vô cùng độc đáo.

Cửa động có hình dáng tựa như hình vòng cung uốn lượn, có hai nhũ đá rủ xuống, như một lời mời gọi vào thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên. Cửa động được thiên tạo bởi bốn cột trụ đá to vững chắc, tạo cho ta cảm giác an toàn khi bước vào động.

Qua cửa Động chừng 5m, sẽ thấy không gian như tối dần bởi ánh sáng mặt trời từ cửa động hắt vào đã giảm hẳn.
Dulichgo
Khách bật đèn soi rồi bước xuống những bậc đá nhấp nhô, đến một không gian rộng lớn với nhiều hình thù nhũ đá lấp lánh xuất hiện với âm thanh róc rách tiếng nước chảy trong động như những bản nhạc thiên nhiên.

< Trên là nhũ đá, dưới là hồ nước trong veo...

Càng đi sâu vào trong động, càng khám phá được nhiều điều mới lạ. Hình ảnh sông nước hiện ra, theo nhánh suối nhỏ một cánh cửa được mở rộng thu hút ánh nhìn của du khách.

Ẩn nấp bên cạnh mê cung là những thác bạc lấp lánh đổ xuống từ hai bên vách động. Đến cuối khoang, bước chân xuống bậc thang đá nhấp nhô, cánh cửa khoang hai dần hiện ra trước mặt. Khoang này có độ dài 300 m, du khách chiêm ngưỡng một không gian mới. Phía dưới nền động là bãi cát nhấp nhô, thẳng hàng và uốn lượn chảy dọc...

So với nhiều hang động khác, động Dơi có điều đặc biệt riêng, động được chia ra làm 2 tầng rõ rệt. Tầng một có diện tích 10.000 m2, độ cao trung bình 50 - 80 m. Khi khám phá thêm tầng hai phải leo qua tảng đá to, cao trên 10 m mới có thể đến được.
Dulichgo
Động Dơi để lại ấn tượng cho du khách sự lung linh huyền ảo của thạch nhũ khi bắt gặp ánh sáng đã tạo nên những núi châu báu, tòa tháp nguy nga, tráng lệ.

< Một trong rất nhiều nhũ đá ở động Dơi.

Khách sẽ ấn tượng về một không gian rộng lớn càng vào sâu càng mở rộng ra, có khoang được thiên nhiên sắp đặt với hai tầng với các cây măng đá khổng lồ và sự chằng chịt của các nhũ đá gợi hình rừng cây, hoa lá khiến ta không khỏi liên tưởng đến vườn treo Babilon nổi tiếng ở Ai Cập thời cổ đại.

Du khách được trải nghiệm, phát huy trí tưởng tượng của mình khi qua rừng măng đá muôn hình muôn vẻ.

< 'Trứng đá' trong động.

Kế tiếp lại đến bên một hồ nhỏ có độ sâu 6m, đường kính miệng khoảng 15m, đến mùa mưa nước thẩm thấu nhiều hơn làm nước trong hồ dâng cao, đây là một trong những điểm nhấn của không gian Động Dơi.
Dulichgo
Điểm nhấn khác nữa là những cây măng đá khổng lồ từ dưới đâm lên hay từ trên chĩa xuống, khi đó con người đứng bên cạnh trở nên thật nhỏ bé. Hay vô số những viên thạch nhũ tròn trĩnh như các quả trứng làm khách kinh ngạc, mắt tròn xoe.

< Các cột thạch nhũ chống trời.

Động Dơi có kiến trúc tự nhiên độc đáo, là một trong những hang động đẹp của tỉnh Cao Bằng, hứa hẹn sẽ là một trong những địa chỉ du lịch danh lam thắng cảnh nổi tiếng không chỉ là của Cao Bằng mà còn là của cả nước. Với vẻ đẹp kỳ vỹ thiên tạo này, động Dơi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh thắng cấp quốc gia tại Quyết định số 622/QĐ- BVHTTDL
ngày 10/3/2014.

Động Dơi là một địa chỉ đỏ cho những du khách ưa mạo hiểm đến khám phá. Để đến danh thắng Động Dơi du khách có thể đi theo hai tuyến đường:

- Tuyến thứ nhất: Từ thành phố Cao Bằng theo tỉnh lộ 207 Cao Bằng - Hạ Lạng ( 71km ); từ thị trấn Thanh Nhật- Hạ Lang đi tiếp 22km đến UBND xã Đồng Loan và rẽ trái đi hơn 3 km là đến động Dơi.
Dulichgo
- Tuyến  thứ 2:  Từ thành phố Cao Bằng theo tỉnh lộ 206 đến trung tâm huyện Trùng Khánh là 63km, đi tiếp qua thác Bản Giốc,  dọc theo hạ nguồn của thác Bản Giốc trên tỉnh lộ 207,  qua Bằng Ca đến UBND xã Đồng Loan khoảng 34km, rẽ trái đi tiếp hơn 3 km là đến động Dơi.

< Vẻ đẹp phía cuối đường ra của động Dơi.

Trong tương lai không xa với sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương và sự nỗ lực của người dân cùng chung tay bảo vệ và phát huy giá trị di sản thiên nhiên này tại địa phương tạo thành sản phẩm du lịch, góp phần vào sự phát triển du lịch bền vững của tỉnh Cao Bằng.

Du lịch, GO! tổng hợp từ Dulich.Caobang, báo Cao Bằng, Du Khách Cao Bằng...

Lang thang miền Tây xứ Thanh

By On tháng 9 17, 2017
(DNSG) - Miền Tây xứ Thanh (Thanh Hóa) đang ngày càng hấp dẫn du khách với vẻ đẹp hùng vĩ mà nên thơ. Lang thang qua những miền rừng, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống thanh bình của đồng bào Thái, Mông, Mường… cùng bức tranh phong cảnh đa dạng ngoài mong đợi cho một chuyến đi.

< Thung lũng Kho Mường với dòng suối cạn nhìn từ trên đỉnh núi.

Giữa nhiều tuyến đường từ Hà Nội đi đến miền Tây xứ Thanh, chúng tôi đi theo cung đường được các bạn trẻ đi du lịch bụi ưa thích nhất là chạy theo quốc lộ 6, Hà Nội – Mai Châu rồi rẽ xuống quốc lộ 15 về Thanh Hóa. Sau một ngày đi đường khá dài, nhóm nghỉ qua đêm ở ngã ba Co Lương nằm trên quốc lộ 15 (thuộc thôn Thanh Mai, xã Phú Thanh, Mai Châu) để lấy sức cho chặng đường tiếp theo.

< Con sông Mã trong xanh chảy qua thác ghềnh trên cung đường Co Lương – Mường Lát.

Từ ngã ba Co Lương mọi người bắt đầu chạy qua cầu vào con đường đất men theo bờ sông Mã. Cung đường này đúng là hành xác với dân phượt. Vào ngày mưa, đường trơn trượt, lầy lội. Có những đoạn vượt suối, đoàn du khách phải thuê mấy anh chàng bản địa dùng đòn gỗ khiêng xe qua. Hành trình về thị trấn Mường Lát từ ngã ba Co Lương dài hơn 70km nhiều gian khó, nhưng sau đó, cảnh núi non trùng điệp và dòng sông Mã cuồn cuộn chảy qua bao thác ghềnh thực sự là món quà lý thú cho mọi người.

Mùa hè, ban ngày, chúng tôi cảm nhận được rõ rệt những cơn gió Lào mang theo hơi nóng, khô khó chịu táp vào cơ thể. Những lúc ấy, ai nấy chỉ mong có một cơn mưa bất chợt đổ xuống. Qua hồ thủy điện Trung Sơn đoàn bỗng bị lạc vào những màn sương giăng tứ phía. Mới buổi chiều, nhưng mọi người đã phải bật đèn pha xe máy và cũng chỉ di chuyển được với tốc độ 5 – 10km/h.


< Thị trấn Mường Lát bên dòng sông Mã, sau cơn mưa rừng sông trở nên đục ngầu phù sa.
Dulichgo
Sau khi vượt qua chặng đường mù mịt, các thành viên nhìn về phía chân núi xa xa và thấy một cảnh tượng tuyệt đẹp: những áng mây trắng bồng bềnh bay trong gió, ôm ấp núi rừng.

Dòng sông Mã đoạn gần thị trấn Mường Lát phình rộng ra, đỏ ngầu phù sa sau cơn mưa rừng. Những mái nhà, bản làng của người Thái và Mông ẩn hiện dưới chân núi. Nơi đây cách biên giới Việt – Lào không còn xa nữa. Chúng tôi ngủ lại ở thị trấn một đêm. Người Mông và Thái ở thị trấn vẫn giữ được những nét văn hóa sinh hoạt truyền thống. Đêm xuống có khách, gia chủ lại thổi lửa, mời nhau bát rượu ngô thơm lừng cùng nhấm nháp miếng thịt trâu gác bếp.


< Trẻ em và người già tò mò nhìn ra khi có du khách tới bản.

Sáng hôm sau đoàn tiếp tục hành trình đến thăm cửa khẩu Tén Tằn nơi có cột mốc biên giới số 281. Nếu ai có nhu cầu sang Lào thưởng thức cốc bia thơm ngon thì có thể làm thủ tục ở cơ quan chức năng.
Dulichgo
Sau vài ngày lang thang ở Mường Lát, nhóm bắt đầu trở lại quốc lộ 15 theo hành trình mới. Đó là cung đường qua tỉnh lộ 520 men theo sườn khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Mọi người đã phải đánh vật với từng đoạn đường để ngốn cho bằng hết 210km trước khi về đến thị trấn Cành Nàng nằm trên quốc lộ 15 (huyện Bá Thước). Nhiều lúc xe đi qua một con đèo nằm vắt vẻo bên sườn núi, xung quanh là những cánh rừng nguyên sinh.


< Những guồng nước khổng lồ trên con đường vào Bản Hiêu.

Không gian hoàn toàn vắng bóng người, chỉ có những tiếng chim rừng kêu hót lanh lảnh giữa cánh rừng già. Chốc chốc mọi người lại dừng xe bên đường để ùa chạy tới con suối nhỏ rửa mặt, rửa tay chân xua đi bớt mệt nhọc. Hiếm hoi lắm mới gặp được vài người đi hái măng rừng, họ nở nụ cười trìu mến rồi lẳng lặng tiến về phía núi rừng mất hút theo màu xanh cây lá.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu hiện nay vẫn chưa khai thác du lịch đại trà. Chỉ có một số nhóm trekking nhỏ, sau khi xin phép Trạm kiểm lâm và được cán bộ kiểm lâm dẫn đi thì mới dám khám phá rừng già. Đỉnh núi Hoc ở Pù Hu cao 1.440m được xem như nóc nhà của khu bảo tồn thiên nhiên này.

< Thác Hiêu giữa núi rừng hoang sơ.

Từ thị trấn Cành Nàng đoàn bắt đầu vượt qua cầu La Hán bắc qua dòng sông Mã với những xóm nhà thuyền của dân vạn chài… Từ đây bắt đầu hành trình ngược theo quốc lộ 15C tiếp tục khám phá khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Xe chúng tôi dần dần tiến về phía những cánh rừng thâm u nơi miền cao xứ Thanh.
Dulichgo
Đi qua những cái tên như: Bản Tôm, Phố Đoàn, Làng Đốc… mọi người dần dần lạc vào khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông lúc nào không hay. Từ Phố Đoàn tìm đường vào Bản Hiêu tuy chỉ vài km theo đường chim bay nhưng các thành viên phải đi lòng vòng uốn lượn theo con đường đất nhỏ xíu vừa đúng một chiếc xe máy. Thành ra ai ấy cũng đều than xa thật!

< Con đường từ bản Son, Bá, Mười sang đất Tân Lạc, Hòa Bình.

Với những thửa ruộng bậc thang thoai thoải chạy theo sườn núi, Bản Hiêu hiện ra trong khung cảnh thanh bình của nếp nhà sàn đơn sơ. Nơi đây gần sát với vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Cộng đồng sinh sống ở Bản Hiêu chủ yếu là người Thái và số ít người Mường. Cảnh đẹp nhất ở Bản Hiêu mà chúng tôi khám phá ra là khu Thác Hiêu nằm giữa những tán rừng quanh năm u tịch. Suối nước chảy từ trên đỉnh núi xuống qua các bờ đất đá rồi đổ xuống tạo thành những vũng nước nhỏ trong vắt. Vũng nước không sâu, nên mọi người tha hồ xuống tắm mát.
Dulichgo
Không hùng vĩ và có độ cao lớn nhưng Thác Hiêu vẫn rất cuốn hút vì còn giữ được nét hoang sơ. Quanh thác chúng tôi thấy có vài mái nhà sàn lợp lá giản dị, dù không kinh doanh du lịch, nhưng chúng tôi đã có một bữa trưa khá ngon lành với chủ nhà hiếu khách. Họ sẵn sàng bắt gà, mổ cá để thiết đãi du khách, sau đó khách đưa lại cho chủ nhà bao nhiêu tiền là tùy tâm.

< Nông dân vỡ đất, khai hoang để trồng trọt trên núi.

Tạm biệt Bản Hiêu, đoàn người lại bước vào hành trình chinh phục vùng cao Son Bá Mười. Rất may cho chúng tôi bởi năm 2016 đường bê tông lên các bản Son, Bá, Mười (thuộc xã Cổ Lũng, Bá Thước) đã xong. Đường lên Son Bá Mười tuy chỉ 15km nhưng độ dốc rất lớn với những khúc cua tay áo dựng đứng men theo sườn núi. Quả thực chúng tôi luôn phải gài về số 2 thậm chí số 1 để những con xế gầm rú hết sức ì ạch leo từng mét đường.

Càng lên cao, tiết trời càng mát, những cơn gió thổi ào ào xóa tan đi những giọt mồ hôi. Đến đỉnh ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển khí hậu đã hoàn toàn khác biệt. Nhiệt độ đỉnh núi và bên dưới phải chênh nhau đến 10 độ C. Có lẽ vì thế mọi người mới ví Son, Bá, Mười như Sa Pa của xứ Thanh.

< Nhà sàn san sát nhau ở Kho Mường.
Dulichgo
Cuộc sống ở các bản Son, Bá, Mười trên đỉnh núi bình yên đến diệu kỳ. Những nếp nhà sàn nhỏ xíu ẩn khuất sau nương ngô, đồng lúa nếp. Con đường bê tông thẳng tắp chạy qua những bản làng giữa khung cảnh màu xanh của núi rừng. Từ đây du khách có thể đi thẳng sang đất Tân Lạc, Hòa Bình một cách dễ dàng.

Sau một ngày ở Son Bá Mười, các thành viên lại đổ dốc để tìm tới bản Kho Mường. Kho Mường vài năm trở lại đây thành điểm du lịch nổi tiếng nhất của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nói riêng và Thanh Hóa nói chung. Hầu hết người dân bản thuộc cộng đồng người Mường xã Thành Sơn, Bá Thước. Thường những người đã chán ngán Mai Châu, Mộc Châu họ sẽ tìm đến Kho Mường để tìm cảm giác mới mẻ.

Những phượt thủ Tây lẫn ta rất thích dừng chân ngủ qua đêm ở Kho Mường để hôm sau đi trekking khám phá qua các thôn, bản, chinh phục Hang Dơi, ngắm ruộng bậc thang, nhìn cuộc sống thường nhật của dân bản địa…

< Bản Hang, xã Phú Lệ, Quan Hóa nhìn từ trên cung đường 15C.

Dân Mường ở đây cũng cực kỳ quý khách, ngay từ cổng chào của bản khi nhìn thấy nhóm chúng tôi, vài người ở trong nhà đã chạy ra chào đón, hỏi han đủ chuyện. Mấy đứa trẻ luôn chạy theo chúng tôi để được nhìn chiếc máy ảnh và chúng vô cùng thích thú khi xem lại mình qua bức ảnh mới chụp trong đó.
Dulichgo
Sau một ngày, một đêm bình yên cảm nhận cuộc sống, phong cảnh ở Kho Mường chúng tôi trở lại quốc lộ 15C để ngược qua xã Phú Lệ, Quan Hóa trở về đúng điểm xuất phát là Ngã ba Co Lương. Như vậy cuộc hành trình theo đúng một vòng tròn khép kín gần 400km qua miền Tây xứ Thanh của chúng tôi đã kết thúc. Trải qua những thắng cảnh hùng vĩ, hoang sơ, bản làng thanh bình và hình ảnh dòng sông Mã lúc trong xanh, lúc đỏ nặng phù sa… tất cả giờ đây đã in đậm trong tâm trí lữ khách.

Theo Hải Dương (Doanh Nhân Sàigòn)
Du lịch, GO!

Đi dọc miền Tây Thanh Hóa
Xứ Thanh Mường Lát, Sài Khao...

Di tích hành cung Long Bình

By On tháng 9 17, 2017
(BPY) - Thành Long Bình là nơi đặt bộ máy nhà nước Phong kiến tỉnh Phú Yên từ năm 1899 đến năm 1945. Hành cung trong thành Long Bình là hành cung của chính quyền phong kiến Nam Triều được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX và sử dụng dưới các triều vua cuối cùng của triều Nguyễn. Đây là di tích có giá trị lịch sử văn hóa, một trong số ít những di tích của triều đại Phong kiến nhà Nguyễn để lại dấu ấn khá rõ nét trên địa bàn thị trấn Sông Cầu.

Sách Địa dư tỉnh Phú Yên mô tả về Sông cầu (ở thời điểm năm 1837): “Sông Cầu là tỉnh lỵ trên bờ vịnh Xuân Đài về làng Phước Lý, cách Qui Nhơn 61 cây số, cách Nha Trang 176 cây số. Dân cư ước được 1.000 người. Phố xá rải rác năm bảy cái… Dọc theo bờ biển có lầu quan công sứ cùng các công sở, cách Sông Cầu 500 thước tây thì có tỉnh, có hành cung, có dinh quan tuần vũ và các ty…”.

Hành cung là tên gọi chỉ công trình kiến trúc được xây dựng với chức năng chủ yếu là để dự phòng, chuẩn bị dùng làm nơi dừng chân nghỉ ngơi của vua khi tuần du ra khỏi kinh thành hoặc đi kinh lý, thị sát ở địa phương. Ngoài ra, đây là còn là nơi truyền và tiếp nhận chỉ dụ của vua, nơi tổ chức nhiều nghi lễ theo qui định của nhà nước Phong kiến để khẳng định vương quyền của vị vua đang tại vị và triều đại đó.

Qua khảo sát những dấu tích còn lại và dựa theo lời kể của nhân dân địa phương, thành Long Bình nằm trên một doi đất trải dài theo hướng Bắc - Nam, cao hơn mặt ruộng ở phía đông và phía tây 2-4m.
Dulichgo
Khu thành có hình chữ nhật, bốn mặt quay chính 4 hướng. Mặt tiền quay về hướng nam liền kề với làng mạc, kế đến là sông Tam Giang, mặt hậu quay về hướng bắc. Hai phía đông tây là đồng ruộng thấp, cánh đồng ở phía đông có tên gọi là đồng Bến Thuyền. Nơi đây, khi đào sâu vào lòng đất, nhân dân địa phương phát hiện những vỏ sò và dây neo đậu thuyền.

Hành cung là một công trình lớn, được thiết kế ở vị trí trung tâm của khu thành, quay mặt về hướng nam, hướng thẳng ra cột cờ, khoảng giữa cột cờ và hành cung có đào hồ hình mặt nguyệt, trồng sen để tôn thêm vẻ đẹp hài hòa của công trình kiến trúc này.

< Trụ cổng Hành Cung Long Bình bị cỏ cây chen lấn.

Ở các phía tả, hữu và bên hậu hành cung là những dinh thự, công sở làm việc của bộ máy chính quyền Phong kiến.

Tất cả các công trình đó đều quay mặt hướng về hành cung và lấy hành cung làm trung tâm. Theo lời những người cao tuổi ở địa phương, nguyên trước tòa chính điện của hành cung có hình vuông, một gian bốn mái lợp ngói âm dương, bộ khung cột chắc chắn làm bằng loại gỗ rất tốt, giữa tòa nhà có xây bục cao, trên bục là ngai vàng bằng gỗ sơn son thếp vàng.

< Cánh đồng bên cạnh sông.

Vua Bảo Đại đã hai lần về ngự tại hành cung tỉnh Phú Yên. Lần thứ nhất vào tháng 3-1933, khi đó Bảo Đại mới trở về từ Pháp và tổ chức cuộc tuần du vào các tỉnh phía nam.
Dulichgo
Trong chuyến đi này, vua Bảo Đại dừng chân ở lại hành cung Sông Cầu và tiếp tục đi thăm các cảnh vật trong tỉnh, trong đó có công trình thủy lợi đập Đồng Cam (lúc đó tên là đê Bảo Đại) vừa mới hoàn thành công cuộc xây dựng kéo dài 9 năm (1924 - 1932). Lần thứ hai vua Bảo Đại đến ngự tại hành cung Long Bình là vào năm 1943, nhiều cụ già 75- 80 tuổi ở đây còn nhớ rõ sự kiện này. Lúc đó họ là những học sinh và được vận động đi đón rước vua Bảo Đại.

Sau cách mạng tháng 8-1945, chính quyền cách mạng tiếp quản toàn bộ công sở dinh thự này. Cuối năm 1946, do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ta đã tiêu hủy toàn bộ các công trình  này trong đó có khu hành cung để thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Thời kỳ 1954- 1975, thành Long Bình là nơi chính quyền Mỹ- ngụy dồn dân lập ấp chiến lược. Trên nền móng của những công trình kiến trúc cũ, một số công sở được xây dựng để phục vụ chính quyền đương thời. Bên cạnh đó, nhiều nhà ở của nhân dân cũng được xây dựng. Việc bóc dỡ gạch, đá để lấy vật liệu xây dựng các công sở, nhà cửa đã làm mất dần vết tích của các công trình kiến trúc. Hiện tại, chỉ nhận biết và định vị được một số công trình quan trọng qua phần nền móng còn lại.Dulichgo

Hành cung Long Bình là một công trình kiến trúc quan trọng, sự kiến tạo công trình này đã nằm trong ý đồ qui hoạch xây dựng ngay từ đầu của chính quyền Phong kiến khi mới bắt đầu dời đặt lỵ sở về thôn Long Bình (1899). Hành cung là công trình được ưu tiên xây dựng ở vị trí tốt nhất, được tôn cao hơn so với các công trình khác và được xây dựng với qui mô lớn nhất. Thị trấn Sông Cầu đang trên đà xây dựng phát triển. Trong tương lai không xa, đây sẽ là một trong những trung tâm kinh tế lớn của tỉnh. Do vậy, giữ gìn, tôn tạo và phát huy những di sản văn hóa là việc làm rất cần thiết. Đối với những di tích có giá trị lịch sử- văn hóa nằm ngay trong lòng thị trấn như hành cung Long Bình thì việc bảo vệ, gìn giữ càng cấp thiết hơn, để góp phần làm cho thị trấn phát triển cân đối trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội.

Theo Kim Chi, Hữu An (Báo Phú Yên), ảnh internet
Du lịch, GO!

Hòn Nưa: “Thiên đường quyến rũ”

By On tháng 9 16, 2017
(KQS) - Hòn Nưa nằm ở phía nam vịnh Vũng Rô, có đỉnh cao 105m so với mực nước biển.

Trên đường thiên lý Bắc-Nam, qua Đèo Cả quanh co, trong lúc thỏa sức thưởng lãm phong cảnh thiên nhiên kỳ thú: bên này là sườn núi dựng đứng, bên kia là biển xanh bao la; nếu để ý một chút bạn sẽ bắt gặp Hòn Nưa không xa mấy, nhô lên trên biển như một hiệp sĩ đơn độc mà kiêu hãnh.

Nhìn từ đèo Cả, Hòn Nưa với những mỏm đá nhọn hoắc cắm trên đỉnh vách đá thẳng đứng trông thật hùng vĩ oai phong nhưng cũng thật cô đơn trên mặt biển xanh, như một con thuyền đang từ từ rời đất mẹ hướng ra đại dương mênh mông.

Hòn Nưa có một vị trí địa lý đặc biệt, một nửa bắc đảo thuộc về Phú Yên, một nửa nam đảo lại thuộc về Khánh Hòa. Bên nhún, bên nhường làm cho Hòn Nưa như bị quên lãng, mà cũng nhờ chính chút duyên may như thế, nơi đây lại mang trên mình vẻ đẹp hoang sơ dù cách bờ chỉ vài km đường biển.
Dulichgo
Tạo hóa ban cho nơi này thật đặc biệt, tiếp nối bờ cát trắng chạy dài ra biển đông là những ghềnh đá cao dần nối tiếp nhau. Đầu tiên là những bãi đá nhỏ rồi những ghềnh đá hùng vĩ cao vút. Dưới sâu kia những con sóng trắng xóa vẫn ào ạt xô bờ.

Bước chân lên ghềnh đá, du khách dễ bị ngẩn ngơ bởi cảnh tượng thiên nhiên trước mắt. Hòn Nưa trông như con thuyền giương mũi tiến thẳng ra khơi. Nhìn thẳng ra biển Đông, ghềnh đá thuôn nhọn chỉ thẳng ra biển, ảo mờ phía xa là cực Đông.

Leo lên ghềnh đá cao, rồi một ghềnh cao nữa, bạn sẽ ngơ ngẩn với cảnh tượng hiện ra trước mặt. Thật kỳ diệu, giữa biển khơi, trên một hòn đảo nhỏ vây quanh nước biển mặn là một hồ nước ngọt nằm sâu bên dưới, vây quanh là những ghềnh đá hùng vỹ.

Không chỉ vậy, điểm thú vị trên hòn đảo này còn là những “dấu chân người khổng lồ”. Qua hàng triệu năm với sự bào mòn của thời gian và những con sóng, các phiến đá đã biến đổi hình dạng và tạo thành hình dấu chân khổng lồ, nằm rải rác khắp nơi khiến du khách có cảm giác như mình đang lạc vào miền đất lạ.
Dulichgo
Ai cũng thử ướm chân mình vào dấu chân xưa cổ ngàn năm ấy để cho những câu chuyện cổ tích từ thơ bé như hóa thành sự thật, bật cười thích thú khi liên tưởng đến cậu bé Thánh Gióng được sinh ra khi người mẹ ướm dấu chân khổng lồ.

Đến Hòn Nưa, bạn có thể đắm mình trong làn nước mát, lặn xem những rạn san hô mang vẻ đẹp mê ly, kiêu kỳ. Với những người đam mê chinh phục những “sản vật biển” thì đây đúng là thiên đường.

Dưới nắng vàng của mùa hè, vương quốc san hô càng lung linh, huyền ảo và quyến rũ hơn với sự hiện diện của hàng chục loài cá đủ màu sắc sặc sỡ bơi lội. Những đàn cá ông tiên, cá hoàng hậu, cá bò hỏa tiễn nối đuôi nhau bơi lượn, tất cả cùng chung sống hòa bình làm nên một thế giới biển đa sắc.

Câu cá men theo gành đá, rảo bước trên gành bắt những con cầu gai (nhum), cạy vú nàng… bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để bạn mở một bữa tiệc hải sản nhỏ.
Dulichgo
Những miếng mực nướng thơm phức, nguyên chất biển từ những chú mực tươi rói mua ngay tại chân cầu Đại Lãnh làm cho bất cứ ai ghé chân tới đây cũng thèm thuồng, cồn cào bụng.

Càng đi sâu về phía bắc những vách đá càng cao hơn, càng hùng vĩ hơn, có những vách đá cao đến hơn 80 m từ mặt biển.

Những vách đá khổng lồ với bề mặt chằng chịt vết cắt ngang dọc cho một cảm giác huyền bí và ma quái. Nếu những ai yêu thích chinh phục leo núi, trèo vách đá cao thì hẳn nơi đây là một chọn lựa rất phù hợp.
Dulichgo
Những ai thích trải nghiệm hãy tổ chức một đêm lửa trại và đón bình minh trên đảo, bạn sẽ chạm vào cảm giác tuyệt vời với thiên nhiên hoang sơ nơi đây.

Theo Kỳ Quan San
Du lịch, GO!

Hoang sơ Hòn Nưa (Phú Yên)
Một ngày trên đảo Hòn Nưa
Ngắm bình minh tuyệt đẹp ở Hòn Nưa

Thác Tát Lau, thắng cảnh đẹp ở Mộc Châu

By On tháng 9 16, 2017
(MCTR) - Cách cửa khẩu Lóng Sập (thuộc xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) không xa, thác Tát Lâu đang trở thành một điểm thăm quan du lịch không thể bỏ qua trên tuyến du lịch Mộc Châu đi cửa khẩu.

< Khai trương điểm du lịch thác Tát Lau tại Mộc Châu.

Điểm du lịch thác Tát Lau được Hợp tác xã Du lịch Bó Sập xây dựng dựa theo đặc điểm tự nhiên của thác Tát Lau.

Thác có 3 tầng với độ cao hơn 30m, xung quanh thác có cây cối xanh tốt quanh năm và hệ thống ruộng bậc thang uốn lượn.

Để có không gian cho du khách trải nghiệm và chụp ảnh lưu niệm, HTX trồng thêm rất nhiều loại hoa đẹp, rực rỡ đặc trưng của vùng Tây Bắc.

Ngoài ra điểm du lịch thác Tát Lau còn có các công trình kiến trúc như lưu trú nghỉ dưỡng, các gian hàng ẩm thực, lưu niệm… được xây dựng hài hòa với thiên nhiên, gắn với những câu chuyện cổ tích của đồng bào dân tộc Thái.

Bên cạnh đó, HTX còn phát triển các sản phẩm du lịch dã ngoại, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, các trò chơi dân gian phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Dulichgo
Điểm du lịch thác Tát Lau đi vào hoạt động góp phần tạo nên sự mới lạ, độc đáo và hấp dẫn du khách khi đến với Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, đồng thời là điểm dừng chân lý tưởng của du khách trong chuyến hành trình tham quan cửa khẩu quốc gia Lóng Sập.

Mùa nước đổ và mùa gặt, dưới thung lũng là quang cảnh yên ẩm, trù phú và rất đỗi bình yên
Dulichgo
Để đến thác Tát Lâu: Từ thị trấn Mộc Châu, đi 25km  theo quốc lộ 43 vào hướng Thác Dải Yếm, cửa khẩu Sóng Sập bạn sẽ thấy Thác Tat Lau nằm dưới thung lũng bên tay phải.

Theo Mocchau.Tourism
Du lịch, GO!

Tiết canh rừng, đặc sản của người Lào ở Mường Luân

By On tháng 9 16, 2017
(ĐBP) - Trong số những món ăn độc đáo của người dân tộc Lào ở xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, như: Tiết canh, rêu đá, cá nướng, thịt nướng, chúng tôi tò mò và ấn tượng nhất với món “Tiết canh rừng” – một món ăn được làm từ lá cây rừng trộn với gia vị. Đó cũng là món ăn được coi là đặc sản của người dân tộc Lào nơi đây.

Cây “tiết canh” theo chia sẻ của ông Lò Văn Phúi, bản Mường Luân 1 có tên là Bơ Mó, là một loại cây rừng được người Lào đặt tên, thường mọc vào mùa nóng. Loại cây này khá dễ kiếm trong rừng; cây có thân dây leo, lá màu xanh nhạt. Cây phát triển rộ từ tháng 4 – 9 hàng năm.

Để làm món "Tiết canh rừng", cần phải thực hiện theo các công đoạn, bắt đầu là lá Bơ Mó rửa sạch, giã nhuyễn, pha với nước và vắt bỏ bã thì được một hỗn hợp đặc sền sệt có màu xanh. Sau đó trộn hỗn hợp này với các gia vị đã chuẩn bị sẵn là hành, tỏi, ớt, lá chanh, lạc rang, rau thơm, để khoảng 5 phút, hỗn hợp sẽ đông lại thành món “Tiết canh rừng” có màu xanh thẫm. “Làm món tiết canh này đòi hỏi người làm phải nhanh tay và chuẩn xác lượng nước phù hợp với lượng lá, gia vị thì hỗn hợp mới đông được” – ông Phúi cho biết.
Dulichgo
Nếm thử, chúng tôi thấy vị ngọt thanh mát của lá Bơ Mó hòa quyện với mùi thơm của các loại gia vị, rau thơm khá dễ ăn. Không chỉ được dùng thường xuyên trong bữa cơm vào mùa hè, người dân tộc Lào ở xã Mường Luân còn dùng món "Tiết canh rừng" trong mâm cỗ cúng tổ tiên.

Theo Phương Liên (Báo Điện Biên Phủ)
Du lịch, GO!

Mạch nha Thi Phổ

By On tháng 9 15, 2017
(BQN) - Mạch nha (kẹo mạch nha, đường mạch nha) là tên một loại đường kẹo làm từ ngũ cốc (lúa mạch, đại mạch, lúa mì, lúa, nếp...) bằng phương pháp lên men tinh bột. Đường mạch nha có màu vàng hổ phách, dẻo mà không dai, vị ngọt thanh, thoang thoảng mùi hương nếp.

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là “mạch nha Thi Phổ”:

Chim mía Thu Phổ
Cá bống sông Trà
Kẹo gương Thu Xà
Mạch nha Thi Phổ.

Nguyên liệu để chế biến mạch nha ở Thi Phổ là gạo nếp và mộng lúa. Đầu tiên, phải chế biến lúa thành bột mầm. Người ta chọn những hạt thóc no tròn, phơi được nắng, đem thả vào nước lã, vớt sạch các hạt lép rồi ngâm qua một đêm. Thóc đã ngâm đủ giờ thì vớt ra, để ráo nước trước khi đưa vào ủ, tưới thêm nước giữ ẩm cho mộng nảy thật đều.

Sau khoảng 5 ngày, mộng lên dài khoảng 5 – 6 phân và kết rễ lại thành khối. Xé rời khối lúa mộng, giũ hết vỏ trấu, loại bỏ những mộng xấu, rửa sạch, ủ sơ qua cho héo trước khi đưa ra nắng để phơi khô. Mộng khô giã nhỏ hoặc xay thành bột gọi là bột mầm.
Dulichgo
Bước tiếp theo là nấu gạo nếp thành xôi. Xôi chín vừa, xới đều ra nong, để nguội. Đem bột mầm rải lên nong xôi (theo tỷ lệ 1 ký bột mầm cho 5 ký gạo nếp),  rưới thêm nước lã (theo tỷ lệ 2 ký gạo 1 lít nước) rồi dùng tay trộn cho thật đều. Để khoảng một vài giờ sau cho bột ngấm vào xôi thì đưa vào chảo gang, thêm nước, gia một ít bột mầm trước khi đưa lên bếp đun sôi, khuấy nhuyễn.

Sau khoảng từ  6 - 7 tiếng đồng hồ  đun và khuấy, tinh bột trong xôi nếp đã chuyển hoá thành đường mạch nha, nhưng còn ở dạng lỏng, lẫn nhiều tạp chất. Để lấy ròng chất dịch mạch nha, người ta cho hỗn hợp vào một chiếc bao gai, ép lấy nước, xác bã còn lại trong bao dùng làm thức ăn gia súc, chế biến phân hữu cơ hoặc làm chất đốt.

Nước mạch nha tinh ròng cho vào nồi tiếp tục đun và khuấy để cô đặc khoảng trong nửa buổi thì thành đường mạch nha. Mạch nha ngon hay dở, đặc hay lỏng, để lâu được hay không là do ở nghệ thuật nấu "cô".
Dulichgo
Đặc sánh, màu vàng trong và dẻo, dìu dịu thơm, có vị ngọt thanh, là mạch nha ngon. Quá lửa, màu mạch nha ngã sẫm, nhìn không còn đẹp mắt. Khuấy không đều mẻ đường sẽ bị sít, mất đi mùi thơm đặc trưng.

Người Quảng Ngãi thường dùng mạch nha để tặng nhau trong dịp sui gia thăm viếng, làm quà cho người phương xa. Khi ăn, dùng chiếc đũa vích đường rồi quệt lên miếng bánh tráng đã nướng chín. Mạch nha là món ăn thanh tao, giàu ý vị vì được chế biến từ tinh chất gạo và nếp. Người sành điệu thưởng thức bằng cả vị giác, khứu giác, thị giác lẫn thính giác.

Mở hộp đựng mạch nha, trước mắt mọi người là một chất dẻo màu vàng trong óng nuột, thoảng thoảng mùi thơm dịu đi vào mũi, làm thức dậy cảm giác thích thú, khoái hoạt.

Đưa miếng bánh tráng nướng đã quệt mạch nha lên miệng rồi cắn nhẹ một mẩu nhỏ, chuỗi âm thanh rôm rốp, giòn tan vang lên khe khẽ giữa hai hàm răng, nghe thật vui tai. Cùng lúc đó một vị ngọt thanh bắt đầu thấm vào đầu lưỡi, lan ra khắp vòm miệng khiến người ta bất giác muốn liếm nhẹ lên môi trên, chíp chíp miệng để hưởng trọn cảm giác thú vị từ một món ăn dân dã mà đậm đà, thanh tao.
Dulichgo
Làng Thi Phổ, với những xóm nhà lẩn khuất dưới bóng cau xanh, trước mặt, sau lưng là miên man đồng lúa chín vàng. Chính ở đây, những phẩm vật quý giá nhất mà đất trời ban tặng cho con người là hạt gạo, hạt nếp được người dân quê chế biến thành món mạch nha thơm thảo rồi hiến lại cho đời.

Mặn mà muối biển Sa Huỳnh
Ngọt đường xứ Quảng thắm tình quê ta
Đường phổi, chim mía, mạch nha
Ai về Quảng Ngãi thử qua một lần...

Theo Lê Hồng Khánh (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!

Ngọt ngào mạch nha xứ Quảng

Hang Dị Giằng ở hồ Thăng Hen

By On tháng 9 15, 2017
(TH) - Cách trung tâm thành phố Cao Bằng 30 cây số, khu du lịch sinh thái hồ Thăng Hen thuộc huyện Trà Lĩnh từ lâu đã được các du khách tham quan biết đến nhưng mãi những năm gần lại đây khu du lịch mới hoàn thiện được các hạng mục theo quy hoạch.

Hang Dị Giằng địa điểm hoàn toàn mới được đưa vào khai thác du lịch và nhanh chóng thu hút sự chú ý của các bạn ưa khám phá, hang động đẹp góp làm cho nơi đây thực sự như chốn bồng lai tiên cảnh với những lòng hồ xanh ngắt bao quanh bởi dãy núi trùng điệp và hang động hàng nghìn năm.
Khu du lịch sinh thái hồ Thăng Hen đã không còn xa lạ gì đối với các bạn trẻ mê xê dịch. Tuy nhiên với sự xuất hiện của một hang động hoàn toàn mới thì địa điểm này lại trở nên hot hơn bao giờ hết.

Tại hồ Thăng Hen, những căn nhà sàn cổ kính theo lối kiến trúc của người dân tộc Tày, Nùng... cùng những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc, homestay cho những du khách muốn được một lần hòa mình với với thiên nhiên, để sớm mai thức dậy được chứng kiến mặt hồ tỏa lên một làn sương sớm.
Dulichgo
Những làn sương bốc lên từ mặt hồ trong xanh và phẳng lặng như mặt gương sẽ bao bọc những rặng núi xung quanh hồ tạo nên một cảm giác thật bình yên như chốn bồng lai tiên cảnh.

Có một điều chắc chắn nhiều du khách chưa được trải nghiệm, đó là vào mùa mưa khi mặt hồ dâng lên cao sẽ nối liền những mặt hồ tại khu di tích lại với nhau thành một con đường thủy xuyên suốt mà nhờ đó chúng ta có thể trải nghiệm một khu hang động mang tên Dị Giằng.

Hang động Dị Giằng có tổng chiều dài 1,5km được người dân tình cờ phát hiện năm 2008 và mới đưa vào khai thác du lịch.
Dulichgo
Trong buổi sớm, mặt hồ tỏa lên lớp sương mỏng mờ ảo, thấp thoáng xung quanh là những ngọn núi ẩn hiện khiến nơi đây trở nên yên bình, tách biệt hẳn với bên ngoài.

Lênh đênh trên mặt hồ, cùng khám phá động Dị Giằng với những khối thạch nhũ hoàn toàn tự nhiên đã tồn tại hàng ngàn năm,trải qua quá trình ngược vừa bào mòn vừa tích tụ, bà mẹ thiên nhiên đã thổi hồn cho những khối thạch nhũ đầy sống động và có dáng dấp của con người, đó là hình ảnh ông cụ ngồi nhổ râu hay khối thạch nhũ mang dáng dấp... của quý của người đàn ông ...

Trong lòng động còn có rất nhiều khối nhũ đá cầu kỳ đa dạng đủ các hình thù hấp dẫn và chưa hề chịu bất kỳ tác động nào của con người.
Dulichgo
Vào mùa khô, một con đường nhỏ trải bằng bê tông sẽ cho những phượt thủ trải nghiệm con đường vào động bằng xe gắn máy có thêm những trải nghiệm, cảm giác mạnh hoàn toàn mới lạ, con đường vòng quanh hồ Thăng Hen mà ở đó chúng ta có thể ngắm toàn bộ mặt hồ phả lên một làn sương ban mai mềm mại trong làn nắng sớm...

Trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên mặt hồ với làn nước xanh ngắt phản chiếu bóng núi khiến cho bạn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi cảnh sắc nơi đây. Hơn thế nữa các dịch vụ ở đây rất đầy đủ, từ các hàng quán đến tiệc nướng bên lòng hồ và giá lại rất 'mềm'.

Nếu có dịp đến và trải nghiệm, các bạn nên đi sớm hoặc nếu ngủ qua đêm để khỏi bỏ lỡ cảnh mặt hồ trong làn sương huyền ảo. Nếu ở đêm thì có dịch vụ đốt lửa trại nằm ngay cạnh lòng hồ chắc chắn sẽ cho các bạn một kỷ niệm đầy ngọt ngào bên gia đình và người mình yêu mến.

Du lịch, GO! tổng hợp, ảnh Báo Đất Việt

Popular