Enter your keyword

Put your ad code here

Trải nghiệm cùng Nhóm Phượt Quảng Trị

By On tháng 7 31, 2017
(DLQT) - Theo chân các thành viên Nhóm 74’s Phượt vào một ngày cuối tuần đẹp trời, chúng tôi đã có những trải nghiệm thực sự đáng nhớ trong đời trên những nẻo đường miền Tây Quảng Trị với cung Rào Quán – Chênh Vênh – Sa Mù vào một ngày tháng 10.

Trước chuyến đi, các thành viên quản trị nhóm đã lên kế hoạch rõ ràng chi tiết và phân công nhiệm vụ cụ thể về vấn đề hậu cần, kỹ thuật, bảo hộ, dẫn đoàn, chốt đoàn… để đảm bảo chuyến đi được an toàn hiệu quả. Đúng 13h45 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, đoàn chốt quân số theo danh sách đăng ký trên fanpage của nhóm (74’s Phượt), kiểm tra lại xe máy, trang bị những đồ bảo hộ cần thiết và xuất phát lên Hồ thủy điện Rào Quán cắm trại, câu cá thư giãn, sinh hoạt tập thể; sáng hôm sau xuất phát đi lên Đèo Sa Mù và về lại Chênh Vênh tắm thác.

< Đường lên Hồ Thủy điện Rào Quán.

Tạm gác lại những bộn bề của thành phố đông đúc, các thành viên của đoàn mỗi người một vị trí, công việc khác nhau nhưng cùng niềm đam mê và khát khao chinh phục, khám phá những vùng đất đầy thú vị; đã cùng nhau đi chung trên một cung đường và cùng trải qua nhiều khoảnh khắc thực sự đáng nhớ.
Dulichgo
Đường lên Thủy điện Rào Quán không xa, chỉ khoảng 60km. Dọc đường đi, màu xanh của những ngọn núi hai bên đường, cái không khí lành lạnh của miền Tây Quảng Trị xua đi nắng nóng oi bức của những ngày chuyển mùa. Đường lên Tân Hợp quanh co, uốn lượn theo vách núi, một bên là rừng và núi đá, phía bên kia đường là vực sâu. Nhìn về phía xa xa, những ngọn núi chỗ sáng chỗ tối báo hiệu cho đoàn sẽ có một cơn mưa ghé thăm. May mắn là chúng tôi đã kịp nhìn thấy nửa chiếc cầu vòng trước khi nó bị một đám mây đen che toàn bộ.


< Toàn cảnh khu vực cắm trại.

Lúc này, đoàn đã đến Khu vực thủy điện Rào Quán nhưng cũng phải lòng vòng mất 20 phút mới tìm được chỗ cắm trại lý tưởng.

Nơi đoàn dừng chân là một bãi đất thoai thoải, cỏ may mọc chi chít lên cao quá gối chân. Phóng tầm mắt ra xa, hồ nước rộng mênh mông nhưng tĩnh lặng và êm đềm không một gợn sóng. Đoàn nhanh chóng dựng lều trại phòng khi cơn mưa ập tới. Đúng như dự đoán, khi lều vừa dựng xong, những giọt nước tròn trong bắt đầu rơi lã chã và nặng hạt dần. Chúng tôi nhanh chóng gom đồ dùng cá nhân, thức ăn vào lều và tạm thời trú mưa cho đến khi trời tạnh. Sau 15 phút, khi cơn mưa vừa ngớt, các nhóm bắt đầu triển khai công việc của mình: vài người đi kiếm củi, hai người đào bếp nhóm lửa, một nhóm lấy thức ăn đã chế biến sẵn ra nấu, một số người cắm câu… Ai vào việc đó thuần thục và ăn ý như là đã tập dượt sẵn rồi.

< Món thịt nướng cho buổi tối.
Dulichgo
Ai cũng chăm chú vào công việc của mình, mà quên mất hoàng hôn đang dần buông xuống. Không gian bên hồ nước về chiều mới mênh mông làm sao. Khói tỏa ra từ đóng lửa quyện vào rặng cỏ may rồi bay lên cao, bung ra cả mặt hồ rộng như tấm khăn voan mỏng làm cho cảnh vật mờ dần trong buổi chiều yên ả.

Đứng từ trên dốc cao nhìn xuống, khung cảnh hoàng hôn bên hồ như một bức tranh thi vị nhiều màu sắc: màu xanh đỏ của những túp lều, màu vàng úa của những cụm cỏ lau, màu lam của làn khói, màu bàng bạc của nước, màu xanh thẩm của những ngọn núi xa xa… Bức tranh ấy khiến cho lòng người cảm thấy rất đỗi bình yên.

Chẳng bao lâu mà bữa tối được dọn ra gọn gàng trên tấm bạt. Bữa cơm ở nơi xa không thể đầy đủ như ở nhà, nhưng ai cũng rất hào hứng vì thành quả có được sau thời gian nào nướng, nào thổi, nào quạt. Mùi thịt nướng thơm phức cả một vùng. Mọi người vừa ăn, vừa kể cho nhau nghe về cuộc sống, nghề nghiệp và hát những ca khúc quen thuộc bên cây đàn ghi ta khi màn đêm buông xuống. Nhìn lên bầu trời, những ánh sao đêm vẫn miệt mài thắp những tia sáng le lói giữa khoảng không gian tối mịch.

< Bình minh bên Hồ Thủy điện Rào Quán.

Mới 5h sáng, một số thành viên đã thức dậy đón bình minh. Không khí lành lạnh thật dễ chịu. Sương đêm làm ướt lều, ướt mặt đất, ướt cả những cụm cỏ may. Trên nền trời, những đám mây hồng bắt đầu xuất hiện, lăn tăn gợn sóng đều răm rắp như có ai vừa dùng bút vẻ lên chứ không phải vì tạo hóa. Các thành viên tập trung chụp ảnh và hướng ra mặt hồ phía Đông đợi mặt trời mọc. Một quả cầu lửa nhỏ bắt đầu ló ra từ đỉnh núi, chiếu ánh sáng xuống mặt hồ lấp lánh. Trong ánh sáng dịu dàng đầu buổi bình minh, những tiếng nói, tiếng cười vang rộn rã chào đón một ngày mới với nhiều thử thách đang chờ đợi trước mắt.

< Con suối nhỏ dưới chân cầu Sen Bụt I.
Dulichgo
Sau khi ăn sáng, dọn dẹp vệ sinh, đoàn đón thêm một số thành viên mới từ Đông Hà lên rồi xuất phát đi Sa Mù. Đèo uốn lượn quanh co, dài 19,8 km nối hai xã Hướng Phùng và Hướng Việt thuộc huyện Hướng Hóa. Đây là con đèo hiểm trở vào loại bậc nhất miền Tây tỉnh Quảng Trị, cao gần 1.400m so với mặt nước biển giáp biên giới Việt Lào. Chúng tôi tới đèo khi mặt trời đã lên cao, lúc này sương đã tan hết. Từ đỉnh núi nhìn xuống, những thung lũng xanh bạt ngàn, trong xanh và lấp lánh nắng. Chúng tôi dừng xe ở Cầu Sen Bụt I ngắm cảnh, chụp ảnh, quay clip kỷ niệm chuyến đi. Dưới chân cầu, nước chảy róc rách - nơi đây có một con suối đi qua. Lưu lượng nước suối khá mạnh, có khúc cuộn ào ào, len lõi qua những mỏm đá to nhỏ nhấp nhô đổ về phía dưới sườn núi.


< Thành viên đoàn chụp ảnh lưu niệm dưới chân đèo Sa Mù.

Rời Sa Mù, đoàn xuất phát về Thác Chênh Vênh. Vừa tới con đường mòn vào thác, trời bỗng nhiên đổ mưa. Các thành viên đoàn nhanh chóng gom đồ đạc và di chuyển vào khu vực thác. Con đường này khá nhỏ và hẹp, phải luồn qua một đoạn chắn thép gai, hai bên cây cối mọc um tùm. Hết quảng đường mòn, phải men theo con suối một đoạn mới lên đến chân thác. Chúng tôi dừng chân ngay bên một tán cây lớn, nơi có thể vừa trú mưa, vừa nhóm bếp nấu bữa trưa. Khi vừa tới điểm tập kết, hầu như ai cũng ướt nhẽm vì di chuyển dưới trời mưa nặng hạt, nhưng các thành viên không ai thấy phiền lòng vì điều đó. Dứt mưa, các bạn nam kiếm củi, kê đá làm bếp nấu, che mành làm chỗ thay áo quần và phát áo phao cho mọi người xuống tắm.

< Tắm thác Chênh Vênh.
Dulichgo
Thác Chênh Vênh sau cơn mưa nước chảy khá mạnh. Dưới chân thác mẹ có một hồ nước sâu dành cho những ai bơi giỏi. Vì đoàn khá nhiều nữ nên chúng tôi đã chọn những đoạn có nước nông vừa phải để tắm. Tiếng đập nước tung tóe, tiếng hò hét vui đùa, cả tiếng nhảy bùm bụp xuống lòng suối mát lạnh… vọng vào vách đá, làm náo động cả không gian giữa núi rừng nguyên sinh vốn chỉ có tiếng suối reo, tiếng chim hót. Được hòa mình trong dòng nước suối trong lành khiến những mệt nhọc tan biến hết. Một số thành viên chọn cho mình thú vui khác là đi bắt ốc suối. Có bạn bị đĩa cắm vào chân chảy máu nhưng vẫn toe toét cười.

< Ốc suối.

Sau bữa trưa, đoàn thu gom đồ đạc, dọn dẹp vệ sinh, tiến hành di chuyển về Đông Hà. Đoàn rời Chênh Vênh sớm hơn dự kiến do cơn mưa rừng nặng hạt kéo đến. Những cơn mưa đã chào đón chúng tôi rất “nhiệt tình” và tạm biệt chúng tôi cũng bằng cái cách ấy.
Dulichgo
Chuyến đi đã kết thúc an toàn. Mỗi thành viên đều đã thu lượm cho mình những trải nghiệm thật thú vị. Chúng tôi thấy thật may mắn vì đã tận hưởng được những khoảng khắc tự nhiên tuyệt vời khó quên trong đời – một chuyến đi hội tụ đủ mưa, nắng, sương đêm, bình minh, hoàng hôn, lên đèo, vượt suối, cắm trại, câu cá, tắm thác… Chỉ là một chuyến đi, chỉ là hai ngày cuối tuần nhưng chúng tôi như được thắp thêm niềm đam mê khám phá, truyền thêm cảm hứng cho những sáng tạo mới mẻ trong công việc, và đặc biệt là tâm hồn được thư giãn, xa rời những bề bộn của cuộc sống thường ngày. Sau chuyến đi, mỗi thành viên trong nhóm, có người trước đó chưa hề quen biết nhưng lại trở nên vô cùng thân thiết, không chỉ là bạn đồng hành trên những cung đường mà còn trong cuộc sống.

Theo Ngô Thị (Dulich.Quangtri)
Du lịch, GO!

Áng Cái Xuôi của Vịnh Bái Tử Long

By On tháng 7 31, 2017
(BQN) - Nằm cách cảng Cái Rồng (Vân Đồn) khoảng 12km, áng Cái Xuôi thuộc Vịnh Bái Tử Long xinh đẹp. Áng Cái Xuôi là một hồ nước nhỏ, rộng khoảng 5ha, xung quanh được bao bọc bởi núi đá vôi với các loại thực vật vô cùng phong phú.

< Áng Cái Xuôi nhìn từ trên cao.

Mặt áng trũng hơn so với mặt biển, tạo nên một kiểu hệ sinh thái vô cùng đặc trưng, làm tăng giá trị cảnh quan của Vịnh Bái Tử Long.

Áng Cái Xuôi là một hồ nước nhỏ giữa trập trùng núi đá vôi trong lòng Vịnh Bái Tử Long.
Dulichgo
Các loài thực vật phong phú mọc trên đá như: Khổ cử đại tím, sung Hạ Long, cọ Hạ Long, bông móc...

Điều đặc biệt, trước áng Cái Xuôi là một bãi cát phẳng, rộng. Khi thủy triều xuống, bãi cát cách mép nước khoảng 30m.
Dulichgo
Bức tường đá vôi dựng đứng cùng các loài thực vật bao bọc áng.

Áng Cái Xuôi khi thủy triều xuống.
Dulichgo
Hiện nay, trên Vịnh Bái Tử Long có khoảng trên 20 tùng, áng đã được phát hiện. Các áng này được bao bọc bởi những đảo đá vôi với cảnh quan vô cùng độc đáo, còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ, chưa khai thác du lịch. Đến đây, du khách có thể khám phá những giá trị hệ sinh thái đặc thù chỉ có ở các vùng biển có đá vôi như ở Vịnh Bái Tử Long.

Theo Cẩm Thu - Hùng Sơn (Báo Quảng Ninh)
Du lịch, GO!

Cây thị ngàn năm tuổi ở Nghệ An

By On tháng 7 31, 2017
(NAO) - Xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu được biết đến là vùng đất có 99 cây thị cổ thụ có nguồn gốc cách đây gần 1.000 năm, đến nay chỉ còn sót lại 2 cây.

Ông Trần Văn Dũng- Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hoa cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã còn 2 cây thị cổ đại.

Trong thời tới đây, chính quyền và nhân dân xã sẽ được đón bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa Việt Nam cho cây thị gần 1.000 năm tuổi này.

Cây thị gần 1.000 năm tuổi nằm trong khuôn viên đất của gia đình anh Võ Văn Tá, xóm 9, xã Quỳnh Hoa. Trải qua nhiều năm tháng, chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, bom đạn của giặc thù dội xuống nhưng đến nay cây thị vẫn cứ xanh tốt, quả ra rất nhiều.
Dulichgo
Theo quan sát, cây thị có đường kính hơn 3m, có chiều cao khoảng 17 mét, có hình thù rất đẹp. Để ôm được cây thị này thì phải có khoảng 5 người lớn dang tay ra mới ôm kín được.

Lá của cây thị thường đâm chồi nảy lộc vào dịp đầu xuân, đến khoảng tháng 6 thì lá chuyển dần sang màu xanh đậm hơn.

Phía thân dưới gốc cây thị có một lỗ hổng khá rộng bên trong thân cây, từ bên này có thể nhìn xuyên sang bên kia được.
Dulichgo
Thân cây có những khối lồi lõm, sần sùi hình dạng kỳ dị. Lớp vỏ ở thân cây cứng đanh như sắt, những điểm sát gốc có màu đen như một lớp trầm tích cổ.
Dulichgo
Trao đổi với ông Trần Văn Dũng- Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hoa cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã còn 2 cây thị cổ đại. Địa phương sẽ gìn giữ, chăm sóc để con cháu thế hệ sau nhớ đến công ơn của các cụ tổ đã có công khai làng lập ấp, cuộc sống ấm no như bây giờ.

Theo Việt Hùng (Báo Nghệ An)
Du lịch, GO!

Popular